Năm học mới đã qua được hơn 2 tuần, niềm vui con trẻ tới trường với nhiều phụ huynh “ngắn chẳng tày gang” bởi sau khai giảng, các khoản tiền học cứ tới tấp ùa về.

Đến hẹn lại... “xoay”

Đầu năm học, con trẻ được cắp sách tới trường là niềm vui, hạnh phúc của biết bao gia đình. Thế nhưng sau đó, nhiều phụ huynh lại phải “gồng mình” lo các loại tiền học cho con. Sau nửa tháng khai giảng, rất nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã nhận được các thông báo từ nhà trường, giáo viên lẫn ban phụ huynh học sinh về vô số khoản đóng góp đầu năm học.

{keywords}

Phụ huynh xem thông báo các khoản tiền đầu năm học tại một trường mầm non công lập ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Q.Anh

 Có con năm nay vào lớp 1 tại một trường tiểu học công lập trên địa bàn quận Thanh Xuân, chị Thu Hương (đường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) đã phải đóng tiền học cho con tới gần 4 triệu đồng. Chị Hương cho biết, từ lúc nhập học tới giờ, chị đã phải 3 lần đóng tiền học cho con, gồm các khoản như: 1 triệu đồng phụ huynh tự góp để trang bị điều hòa, rèm cửa, tranh ảnh treo tường... cho lớp; 1 triệu đồng tiền đồng phục (5 bộ cộc tay, dài tay, thể thao, áo khoác mùa đông); Gần 2 triệu đồng tiền sách giáo khoa, tiền quỹ hội phụ huynh, bảo hiểm, tiền ăn, chăm sóc bán trú (tháng 9)...

“Đấy chỉ là tiền học của đứa lớn, năm nay đứa thứ hai nhà tôi học mẫu giáo cũng phải đóng góp thêm khoảng 2 triệu đồng nữa. Thành ra, tháng này vợ chồng tôi đã phải lo khoảng 6 triệu đồng tiền học cho các con, chưa kể phải mua thêm giày, dép, mũ bảo hiểm, cặp sách, ba lô... cho hai đứa cũng hết tiền triệu rồi. Vợ chồng tôi thu nhập chưa đến 10 triệu/ tháng nên cũng phải “xoay” đủ kiểu, vay tạm người thân mấy triệu để lo chuyện học cho con”, chị Hương chia sẻ thêm.

Không chỉ ở Hà Nội, phụ huynh học sinh tại TPHCM cũng lâm vào tình trạng “oằn mình” lo tiền trường cho con đầu năm. Nhận được giấy báo đi họp phụ huynh, chị Kim Hằng, có con vào học lớp 1 tại một trường gần cầu Kiệu (quận 1) đã vội vàng dắt túi hơn triệu bạc. Vậy mà vẫn không đủ đóng tiền học cho con. “Đóng hơn bạc triệu, nhiều phụ huynh nhăn mặt nhưng không ai dám nói. Linh tinh đủ thứ, như tiền học 2 tháng, tiền nước, tiền ghế nhựa cho các cháu ngồi dưới sân, tiền bảng tương tác, phí vệ sinh… Riêng khoản tiền quỹ hội phụ huynh trường, trường chỉ “xin” mỗi phụ huynh góp 100.000 đồng để xây sửa nhà vệ sinh, còn quỹ hội phụ huynh lớp thì bắt buộc mỗi phụ huynh đóng 300.000 đồng để chăm lo cho các cháu. Tính sơ sơ cũng hết khoảng 1,5 triệu đồng”, chị Hằng cho biết.

Tại Trường THPT L.Q.Đ (quận 3), một phụ nữ vừa họp phụ huynh ra đã bức xúc, lớp con chị phải đóng quỹ lớp 460.000 đồng, quỹ trường 235.000 đồng. Chị cho biết thêm, so với năm ngoái thì năm nay phải đóng thêm mỗi tháng 80.000 đồng tiền học phòng đa phương tiện và tiền nước uống năm nay lên đến 200.000 đồng. Chị chép miệng: “Gánh nặng tiền học lại đè lên vai cha mẹ”.

Ám ảnh tiền “tự nguyện”

Hơn một tuần nay, dư luận ở quận 3 (TPHCM) “nóng” hẳn lên sau cuộc họp phụ huynh đầu năm ở Trường THCS Colette. Theo phản ánh của các phụ huynh, Ban giám hiệu nhà trường gợi ý sẽ sửa chữa nhà vệ sinh của trường theo hướng hiện đại, gắn thiết bị cảm ứng và số tiền cần huy động khoảng… 2 tỷ đồng (?). Nghe số tiền quá lớn này, nhiều phụ huynh thực sự sốc. Một phụ huynh tâm sự: “Học sinh có cần phải xài thiết bị cảm ứng không mà sao nhà trường buộc phụ huynh phải nai lưng ra đóng tiền?”. Trước bức xúc của phụ huynh học sinh, Hiệu trưởng nhà trường trả lời rất gọn: “Đấy chỉ mới là gợi ý, nếu phụ huynh phản đối thì thôi”. Một khoản thu khác ở trường này là tiền máy điều hòa. Tiếp xúc với một số phụ huynh, chúng tôi được biết, ngoài tiền quỹ trường, phụ huynh phải đóng tiền máy lạnh suốt 4 năm học rồi giảm dần theo từng năm. Với lớp 6, mỗi năm là 500.000 đồng, đến lớp 9 là 200.000 đồng.

Tại Hà Nội, phụ huynh H.H.Lân (đường Ao Sen, quận Hà Đông) có con học trường mầm non công lập A.S cho biết: “Hầu như năm nào nhà trường cũng “sáng kiến” ra các khoản thu theo dạng tự nguyện như: lắp điều hòa, sàn gỗ... Năm nay, cô giáo và hội phụ huynh vận động chúng tôi đóng tiền để cô giáo mua máy tính xách tay phục vụ hoạt động dạy học trên lớp. Nói là tự nguyện nhưng làm lại theo kiểu ép buộc ấy, đại diện hội phụ huynh chỉ nói chung chung rồi quy ra mức tiền, nhiều người chưa kịp ý kiến thì đã thấy gọi lên ký nộp rồi”.

Ngoài khoản thu theo quy định, có trường còn “vẽ” thêm các khoản khác để bắt phụ huynh phải đóng tiền như: tiền chụp ảnh, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền tham quan, dã ngoại... Thậm chí có trường tiểu học còn có thông báo về việc thu phí bảo trì, bảo dưỡng máy điều hoà của mỗi học sinh 500.000 đồng/năm khiến dư luận không khỏi xôn xao, còn phụ huynh thì cực lực phản đối.

Ngoài ra, một số trường cho học sinh về sớm khiến không ít phụ huynh không kịp giờ đón con và để đáp ứng “nhu cầu” của phụ huynh, nhà trường mở thêm các lớp năng khiếu, câu lạc bộ cho học sinh trong lúc chờ phụ huynh tới đón. Như vậy, mỗi tháng phụ huynh cũng phải “cõng” thêm một khoản kha khá tiền học ngoài giờ cho con mình...

Hà Nội kiểm tra các khoản thu đầu năm học

Năm đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội đã bắt đầu tiến hành kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 tại các trường học trên địa bàn thành phố. Ngoài việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ, năm học này Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất về công tác thu - chi ở các nhà trường, trong đó tập trung vào việc thu học phí (về mức thu, thời gian thu), quản lý và sử dụng các khoản thu theo thỏa thuận, thu tự nguyện, cùng các khoản thu khác như tài trợ, hỗ trợ… 

 Theo Q.Anh - Q.Định (Gia đình và Xã hội)