“Phép màu” giữa đời thường

Sau khi chân trái được kéo dài tới 13cm, anh Đỗ Huy P. (24 tuổi, Đắk Lắk) đã có chiều dài hai chân tương đương nhau. Về quê sau gần 3 tháng nằm điều trị ở Hà Nội, anh P. bỏ được một bên nạng, chỉ cần dùng nạng cho bên chân đã kéo, đồng thời rất tích cực tập phục hồi chức năng để cơ chân khỏe và nâng đỡ tốt. Theo tiên lượng của các bác sĩ, trong vòng 6 tháng anh có thể đi lại bình thường.

“Trước khi tới Vinmec, tôi chỉ dám hy vọng có phép màu giúp chân mình có thể đi lại tập tễnh lại như trước khi bị gãy thôi, vì hai chân tôi cũng vốn đã chênh lệch 4-5cm rồi. Ai ngờ còn hơn cả kỳ vọng”, anh P. nói.

 Lần đầu tiên anh P. đi lại được bình thường với hai chân bằng nhau sau 8 năm phẫu thuật khối u xương. Dự kiến bệnh nhân có thể bỏ nạng sớm sau khi tập luyện để chân khỏe hơn

Đối với một thanh niên vừa trải qua 8 năm với rất nhiều biến cố về bệnh tật: Phát hiện ung thư xương năm 16 tuổi, phải nghỉ học để hóa trị, phẫu thuật khối u và ghép xương đồng loại; rồi lại bị gãy xương sau ghép, hầu như phải bất động gần 2 năm; đến bây giờ có thể đi lại được bình thường, mọi thứ giống như một giấc mơ. 

Hy vọng tươi sáng đã tiếp thêm động lực cho chàng trai không quản khó khăn hàng ngày đi hơn 20 km để tập chân. Anh P. dự định hoàn thành nốt chương trình THPT và chuẩn bị cho kế hoạch khởi nghiệp. “Đây là điều tôi chưa từng nghĩ đến trước khi gặp các bác sĩ Vinmec”, chàng trai 24 tuổi trải lòng.  

3 tháng biến giấc mơ của bệnh nhân ung thư xương thành hiện thực

Dù đã kết thúc lộ trình điều trị 3 tháng liên tục kéo dài chân cho bệnh nhân, các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec vẫn thường xuyên theo dõi các diễn biến sức khỏe của P. để giúp anh phục hồi hoàn toàn.

“Khi tiếp nhận trường hợp này, chúng tôi nhận định đây là ca bệnh rất khó, chưa từng thực hiện đối với người bệnh ung thư xương. Tuy nhiên, ekip rất quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ của P. bởi nhiều bạn trẻ gặp hoàn cảnh tương tự sau khi điều trị ung thư xương mà chưa có giải pháp”, GS.TS.BS. Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec cho biết.

Khoảng 4-5 năm trở về trước, Việt Nam chưa thực hiện được kỹ thuật ghép xương bằng vật liệu nhân tạo. Ung thư xương thường được điều trị bằng cách cắt cụt chi hoặc ghép xương đồng loại. Xương đồng loại có ưu điểm là đảm bảo được chức năng đi lại cho người bệnh ngay, nhưng cấu tạo và chất lượng xương ghép không thể đồng nhất với xương của người bệnh nên về lâu dài tỉ lệ thành công không cao. Đặc biệt, những người mắc ung thư xương thường dưới 18 tuổi, tiến hành ghép khi cơ thể còn đang phát triển nên 2 chi chắc chắn sẽ bị chênh lệch. Hạn chế này khiến cho bệnh nhân vẫn tự ti ngay cả khi đã loại bỏ được khối u ác.

 Trước khi mổ, 2 chân của anh P. chênh lệch nhau khá lớn nên anh rất tự ti với hoàn cảnh của mình, mặc dù bệnh ung thư xương đã được kiểm soát tốt

Các bệnh nhân kéo dài chân thông thường (kéo cả 2 chân) sẽ được kết hợp kéo cả 2 xương trên và dưới đầu gối là xương đùi và xương chày. Trường hợp của anh P. nan giải hơn khi chỉ kéo dài một chân trái. Cái khó là làm sao để tránh tình trạng 2 đầu gối bên cao bên thấp. Vấn đề cần khắc phục chính là ở xương đùi ngắn và phần mềm tại đây co rút. Điều trị đúng nguyên nhân rất quan trọng và cũng là thách thức khi kéo dài một khoảng cách lớn ở riêng phần đùi.

Sau nhiều lần thăm khám, hội chẩn, GS. Trần Trung Dũng và ekip đã đi đến phác đồ điều trị 2 giai đoạn: Gỡ dính và kéo phần cơ đang co rút ra tối đa có thể, sau đó thực hiện phẫu thuật ghép xương đùi và đầu gối nhân tạo bằng vật liệu y sinh. Toàn bộ kích thước, trọng lượng xương nhân tạo được tính toán bằng công nghệ 3D để đảm bảo gần với chân lành nhất. Bệnh nhân đã 24 tuổi và ổn định chiều cao nên không lo bị chênh lệch chi và tránh nguy cơ gãy xương lần nữa.

“Lúc kéo cơ, bác sĩ có nói đến biến chứng có thể xảy ra, là liệt hoặc mất chức năng, mất cảm giác ở chân khiến gia đình tôi rất lo lắng. Nhưng suốt 6 tuần điều trị vất vả, các bác sĩ tại Vinmec đều thăm khám rất cẩn thận, tới động viên, theo dõi sát diễn biến từng ngày nên tinh thần của cả nhà đều yên tâm. Con tôi hiện đã đi lại được nhờ khoa học phát triển, nhưng một phần cũng nhờ sự tận tình, chu đáo của các bác sĩ”, ông Đỗ Văn H., bố anh P. kể lại.

Phương pháp này đã mang lại cuộc sống mới cho bệnh nhân sau khi khắc phục được độ chênh lệch giữa 2 chân lên tới 13cm

Ông cũng chia sẻ, ông bà từng bị hiếm muộn, gần 20 năm mới sinh được người con trai duy nhất. Nay anh P. không chỉ thoát “án tử” mà còn đi lại được bình thường, con trai như được sinh ra lần thứ hai.

Đại diện Vinmec cho biết, 90% bệnh nhân ung thư xương ở độ tuổi thanh thiếu niên, quãng thời gian trước mắt còn rất dài. Do đó, điều trị ung thư xương hiệu quả là không chỉ loại bỏ khối u, cứu tính mạng mà còn phải bảo tồn được khả năng đi lại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ca phẫu thuật kéo dài chân thành công cho bệnh nhân ung thư đầu tiên tại Vinmec có thể xem là một bước tiến mới của y học Việt Nam, thắp sáng hy vọng cho các bệnh nhân ung thư xương mới phát hiện, đặc biệt là những ca bị gãy xương sau ghép xương đồng loại những năm trước đây.

Thế Định