- Đã có những quyết định sáng suốt để VN có được lực lượng Cảnh sát biển đầy non trẻ ngay từ năm 1998 trước cả Trung Quốc và các nước trong khu vực chỉ sau 4 năm thực thi Công ước. Đây là lực lượng có tư cách pháp nhân phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế.

Bài 1: Công ước Luật biển 1982 thay đổi tư duy biển VN

Hà Nội cũng có quan điểm cởi mở hơn trong lựa chọn các biện pháp hòa bình, từ "đàm phán trực tiếp" giải quyết tranh chấp đến sẵn sàng sử dụng các biện pháp hòa bình khác, bao gồm cả việc áp dụng phụ lục 7 của Công ước Luật biển. Phụ lục này là một sáng tạo của Luật quốc tế khi cho phép quốc gia thành viên Công ước Luật biển có thể đơn phương yêu cầu Tòa Trọng tài Luật biển quốc tế xem xét giải quyết các tranh chấp trong việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển.

Cơ chế này không cho phép giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nếu không có sự thỏa thuận của các bên liên quan nhưng nó tạo thành công cụ tích cực trong việc hạn chế các tranh chấp nảy sinh trong quá trình giải thích và áp dụng Công ước khi sử dụng biển.

{keywords}
Công trường trên đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Trung Kiên

Công ước Luật biển ngày càng trở thành một công cụ đắc lực của VN và các nước trong khu vực đấu tranh bảo vệ các quyền lợi biển chính đáng của mình trước những xu hướng muốn phá bỏ trật tự trên biển mà Công ước thiết lập dựa trên sức mạnh và cường quyền. Công ước đã là chủ đề được đề cập trong hầu hết các tuyên bố ngoại giao, các cuộc gặp gỡ quốc tế mà VN tham dự.

Cải cách tư pháp về biển

Công ước Luật biển 1982 cũng tạo đà cho việc xem xét, điều chỉnh, cải cách tư pháp trong lĩnh vực sử dụng và quản lý biển.

Trong 30 năm qua, Quốc hội đã thông qua, sửa đổi hơn 60 văn bản luật và pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành hàng trăm nghị định, văn bản dưới luật triển khai các chính sách của Đảng và Chính phủ về biển. Đỉnh cao của nỗ lực này là việc thông qua luật Các vùng biển VN ngày 21/6/2012.

VN cũng sớm định ra những luật và quy định liên quan đến việc qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài: các vấn đề an toàn hàng hải và điều phối giao thông biển; bảo vệ các thiết bị và các hệ thống bảo đảm hàng hải và các thiết bị công trình khác; bảo vệ các đường dây cáp và ống dẫn; bảo vệ tài nguyên sinh vật; ngăn ngừa các vi phạm liên quan đến đánh bắt; giữ gìn môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; ngăn ngừa các vi phạm quy định về hải quan, thuế khoá, y tế hay nhập cư, phù hợp với tinh thần và quy định của Công ước (nghị định 30/CP, 31/CP năm 1980, pháp lệnh về bảo vệ tài nguyên thuỷ sản năm 1989, nghị định 55/CP ngày 1/10/1996, bộ luật Hàng hải VN năm 1990, bộ luật Hàng hải VN năm 2001 (sửa đổi năm 2005), luật Bảo vệ môi trường...

Công ước Luật biển 1982 cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức các cơ quan quản ly biển của đất nước. Chiến lược biển VN 2007 yêu cầu "xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả". Đã có những cuộc tranh luận về thành lập một Bộ Biển thống nhất các cơ quan chính sách và chấp pháp trên biển.

Tranh luận này vẫn có thể quay trở lại khi giải pháp thành lập Tổng cục biển và hải đảo năm 2007 nằm trong Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy "cái áo chật" nếu đặt vấn đề quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả ở tầm vĩ mô cho cấp tổng cục. Cơ quan này điều hành bảo vệ môi trường biển và điều tra quản l‎ý tài nguyên biển tốt hơn là giúp Chính phủ điều phối mọi hoạt động biển của đất nước.

Đã có những quyết định sáng suốt để VN có được lực lượng Cảnh sát biển đầy non trẻ ngay từ năm 1998 trước cả Trung Quốc và các nước trong khu vực chỉ sau 4 năm thực thi Công ước. Đây là lực lượng có tư cách pháp nhân phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế.

Việc thực thi chức trách của Cảnh sát biển trên tất cả vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia tạo điều kiện bảo vệ các hoạt động của tổ chức và pháp nhân trên biển VN tốt hơn, kết hợp thực hiện công tác đối ngoại hoà bình trên biển. Tình hình Biển Đông nóng lên cho thấy VN sẽ vất vả như thế nào trong đấu tranh với các tàu thuyền, giàn khoan nước ngoài vi phạm vùng biển nếu không có Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư.

Phát triển thủy sản

Việc sáp nhập Bộ Thủy sản vào Bộ NN&PTNT tháng 8/2007 là một bước đi cần thiết trong tinh giản bộ máy. Song việc giải thể Bộ Thủy sản mà không tổ chức lại như một Tổng cục thủy sản trong Bộ NN&PTNT phần nào thể hiện một tầm nhìn hạn hẹp. Ba năm sau, nhằm đáp ứng tình hình mới, ngày 25/1/2010, Thủ tướng ra quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ NN&PTNT.

Tái tổ chức Tổng cục Thủy sản và lực lượng kiểm ngư đã củng cố lực lượng chấp pháp trên biển và góp phần tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong những năm gần đây. Từ những bước đi chập chững trong thực hiện chính sách đánh bắt xa bờ tới quyết tâm đóng tàu sắt theo nghị định 67 thay đổi cách làm lâu nay, ngành thủy sản đã có những bước đi đáng kể. Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản đạt xấp xỉ 6 triệu tấn, tốc độ sản lượng đạt bình quân 4,8%, GDP đạt 3,6% xuất khẩu đạt trên 6,7 tỷ USD, thị trường xuất khẩu mở rộng tới 172 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngành thủy sản chiếm tỷ trọng 27,75 về giá trị sản xuất và 25,5% GDP của toàn ngành nông nghiệp. Bình quân ngành thủy sản hàng năm đã tạo thêm việc làm cho khoảng 150.000 lao động. Trong xóa đói, giảm nghèo nhờ tăng trưởng, ngành thủy sản đã góp phần đưa 43 xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn ra khỏi danh sách các xã nghèo.

Hàng năm, ngành thủy sản đáp ứng khoảng 39,31-42% tổng sản lượng thực phẩm, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh thực phẩm và dinh dưỡng quốc gia. Phát triển thủy sản, đặc biệt khai thác hải sản với hàng trăm nghìn ngư dân trên các tàu khai thác hải sản đã và đang cùng với kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân ngăn chặn và hạn chế tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển VN.

Nguyễn Hồng Thao

Kỳ tới: Xu thế tiến ra biển là tất yếu