Hơn 300 tỷ đồng thực hiện chương trình OCOP

UBND tỉnh Cà Mau vừa có báo cáo kết quả thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2020, tỉnh Cà Mau có 33 sản phẩm được công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao. Hầu hết các sản phẩm đều thuộc nhóm thực phẩm, đặc biệt là các đặc sản của Cà Mau như cua, tôm, ba khía…

Nhận thấy các sản phẩm OCOP giúp khơi dậy những lợi thế, tiềm năng của tỉnh; trong giai đoạn 2021 - 2025, Cà Mau đưa ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao và 90 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; từ đó, xây dựng và phát triển các mô hình du lịch OCOP như: du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng... Nguồn kinh phí thực hiện giai đoạn này là hơn 302 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ thể tham gia là hơn 102 tỷ đồng.

Đầu tiên, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2021 với mục tiêu phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; Nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm được công nhận năm 2020 (từ 3 sao lên 4 sao).

{keywords}

Năm 2021, phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm

Đồng thời, Cà Mau cũng tập trung phát triển, nâng cấp ít nhất 28 - 30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; 100% cán bộ OCOP các cấp, 100% cán bộ lãnh đạo đương nhiệm các chủ thể OCOP và 50% người lao động OCOP với trình độ phù hợp cho từng đối tượng.

Trên đà “cất cánh”

Thời gian qua, Chương trình OCOP của tỉnh Cà Mau đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo tư duy mới, phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Chương trình còn giúp nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của người nông dân về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị, tập trung nuôi trồng theo định hướng, kế hoạch, thiết kế vùng sản xuất.

Tại Cà Mau, các sản phẩm OCOP nổi bật nhất là các mặt hàng từ tôm như bánh phồng tôm (38% tôm), bánh phồng tôm (tôm sú), bánh phồng tôm (tôm đất), tôm khô, tôm rang, chà bông tôm, tôm khô sinh thái, tôm xẻ, tôm khô tách vỏ... Sản phẩm cua có thịt cua sinh thái, cua biển Năm Căn... Ngoài ra, một số sản phẩm cũng được xem là đặc sản ở Cà Mau còn có cá khô bổi (cá sặc), ba khía muối, chả cá phi, dưa bồn bồn, bánh phồng hàu…

{keywords}

Sản phẩm tôm rang của hộ kinh doanh Ngọc Giàu, ở ấp Tân Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi đạt hạng 3 sao

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tuy số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh chưa nhiều nhưng đây là sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan chuyên môn và các chủ thể trong việc làm nên thương hiệu sản phẩm OCOP cho tỉnh nhà.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện Đề án Chương trình OCOP, UBND tỉnh Cà Mau đã xây dựng lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện đề án hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM; qua đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình OCOP của tỉnh cũng sẽ phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị.

Việc tập trung đẩy mạnh Chương trình OCOP sẽ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân; dần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ; hình thành các liên kết sản xuất, mở rộng quy mô và xây dựng các hệ thống sản phẩm chủ lực của địa phương. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, đồng thời đưa thực hiện phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Ngô Linh