Gần đây, Myanmar đã trở thành điểm nóng về thu hút đầu tư trên thế giới. Theo các chuyên gia, Myanmar là thị trường có nhiều cơ hội, đầy tiềm năng đối với các DN Việt Nam, nhưng nếu đầu tư kiểu "ăn xổi" thì khó thành công.

Chậm vài năm, vuột mất cơ hội

Từ năm 2012 đến nay Myanmar đã chuyển mình mạnh mẽ, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Trong năm 2012-2013, GDP của Myanmar tăng trưởng 6,3%, lạm phát ở mức 1,95%, thu ngân sách đạt 15 tỷ USD, GDP đạt 59 tỷ USD. Sau khi gần như “bế quan tỏa cảng” kể từ thập niên 1960, nay Myanmar quyết định tăng tốc để bắt kịp các nước Đông Nam Á.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Myanmar có thể tăng 6,5% và 6,7% trong hai năm tiếp theo. Dù tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng lạm phát của nước này vẫn duy trì ở một con số (3,5%). Chính các tổ chức quốc tế như IMF, ADB cũng dự báo nếu cải cách diễn ra trôi chảy, Myanmar có thể trở thành con hổ mới trong khối ASEAN trong vòng một thập kỷ tới.

Với vai trò là đơn vị đầu mối chủ trì trong các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) đánh giá đây là thị trường nhiều tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Hà ví von: “Myanmar như nàng tiên đẹp mới bước ra diễn đàn nên rất nhiều quý ông quan tâm, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới”.

{keywords} 

“Đầu tư ở thời điểm này không có khả năng lỗ mà chỉ có lợi, nếu chậm thêm vài năm nữa e rằng cơ hội sẽ vuột mất”, ông Hà nhấn mạnh.

Trước năm 2009, Việt Nam không có dự án đầu tư nào ở Myanmar, chỉ có 2 doanh nghiệp đặt văn phòng đại diện tại đây. Nhưng sớm nhận ra cơ hội, các tên tuổi như Hoàng Anh Gia Lai, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Viettel... đã nhanh chân đầu tư vào đất nước này.

Đến hết tháng 6/2013, đã có 23 DN Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar với 14 văn phòng đại diện, 3 chi nhánh công ty, 6 công ty liên doanh. Các DN Việt Nam đã có 5 dự án được cấp phép đầu tư với tổng giá trị hơn 600 triệu USD; chủ yếu là các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, bất động sản, du lịch...

Ngoài ra, có 18 dự án đang trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Myanmar cũng tăng trưởng mạnh, kinh ngạch thương mại hai chiều năm năm 2012 đạt 228 triệu USD, tăng 36% so với năm 2011; sáu tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 125,6 triệu USD, tăng 11,9% so cùng kỳ.

Việt Nam và Myanmar đã thống nhất đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 300 triệu USD; vốn đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đạt hơn 500 triệu USD. Ngoài ra, phấn đấu vào năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 500 triệu USD, vốn đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đạt 1 tỷ USD...

{keywords}

Đầu tư vào Myanmar không loại trừ những nguy cơ rủi ro trong thanh toán, mất vốn đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài (ảnh asianews).

Không nên “ăn xổi”

Đầu tư vào Myanmar hứa hẹn nhiều tiềm năng, nhưng theo đánh giá của AVIM, đây cũng là mảnh đất đầy rủi ro. Là người thấu hiểu nền kinh tế Myanmar, ông Trần Bắc Hà lưu ý rằng khi đầu tư sang thị trường này không nên theo kiểu “ăn xổi, ở thì” mà phải xác định theo hướng bền vững, dài hạn. Nếu đầu tư làm ăn tốt tại Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường sang Bangladesh và phía miền Nam Ấn Độ.

Do vẫn còn là thị trường mới mở cửa nên đầu tư tại đây không thể tránh một số rủi ro trong thanh toán hoặc dẫn tới mất vốn đầu tư. Theo các chuyên gia, Myanmar là thị trường bị cấm vận bởi Mỹ và EU trong những năm trước, lại đang trong thời kỳ đầu của cải cách nên không loại trừ những nguy cơ rủi ro trong thanh toán, mất vốn đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, việc xin cấp phép đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài còn một số bật cập. Các chính sách miễn giảm thuế còn chưa rõ ràng, đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp còn ở mức cao so với khu vực (ở mức 30%).

Tại Myanmar, nhà nước vẫn độc quyền một số lĩnh vực như viễn thông, hàng không, khai mỏ... , sự tham gia của khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn thấp. Do đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khi có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực do doanh nghiệp quốc doanh độc quyền kinh doanh.

Ông Vũ Văn Trung - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), lưu ý các DN đầu tư vào đây cần quan tâm đến Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa 2 quốc gia được ký kết vào 2000. Các DN cần tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh như: nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi trồng chế biến thủy sản, viễn thông, ngân hàng... để sẵn sàng cho thị trường này.

D.A