Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025, Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam được giao thực hiện nội dung "Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" thuộc tiểu dự án 2 trong dự án 10 về "Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi" cho tất cả các đối tượng là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và đặc biệt là thành viên đồng bào vùng DTTS và miền núi.

Trong đó, đánh giá hiện trạng công nghệ và mức độ chuyển đổi số của các HTX và thành viên vùng đồng bào DTTS và miền núi là hoạt động trọng tâm của dự án "Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".

Theo số liệu thống kê, cả nước có 27.266 hợp tác xã, trong đó có 17.509 hợp tác xã nông nghiệp, 9.757 hợp tác xã phi nông nghiệp với gần 2.000 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Tổng số thành viên hợp tác xã là hơn 10 triệu người cùng với hơn 2 triệu lao động.

W-anhhoptac.png

Mặc dù có sự tăng trưởng về lượng nhưng chưa thực về chất, quy mô của hợp tác xã có tăng lên, nhưng phần lớn quy mô nhỏ, công nghệ, máy móc, thiết bị còn lạc hậu; thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu thông tin thị trường và khả năng kết nối cung cầu công nghệ, thương mại.

Các nền tảng ứng dụng chuyển đổi số phục vụ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên thị trường hiện nay rất nhiều nhưng phân tán, rời rạc, thiếu tính đồng bộ, chưa thuận tiện và phù hợp cho các hợp tác xã tiếp cận và áp dụng, đặc biệt là thành viên đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo kết quả điều tra của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường với 200 HTX trên quy mô cả nước. Kết quả cho thấy, về mức độ tự động hóa của thiết bị sản xuất, 70% HTX không có thiết bị, trong số 30% HTX có thiết bị thì chỉ có 7% HTX có thiết bị hoạt động theo chế độ tự động (chương trình cố định hoặc chương trình linh hoạt) chủ yếu là các hệ thống tưới tự động, còn lại 23% HTX có thiết bị bán tự động (các thiết bị tương đối cũ).

Như vậy, có thể thấy hiện trạng công nghệ sản xuất ở mức trung bình và tương đối đồng đều. Đặc biệt, mức độ đầu tư, đổi mới thiết bị của các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp.

Thực tế này cũng đã được Liên minh hợp tác xã Việt Nam chỉ ra. Kết quả đánh giá cho thấy, điểm trung bình chỉ số thương mại điện tử của các hợp tác xã là 1,25 điểm. Trong đó, điểm thành phần cao nhất đạt 1,37 điểm là chỉ số mức độ giao tiếp với khách hàng qua môi trường số, chỉ số tỷ lệ doanh thu của mảng thương mại điện tử thấp nhất đạt 1,2 điểm.

Ngoài ra, các HTX khu vực đồng bào DTTS và miền núi vẫn đang ở giai đoạn đầu của mức 2 trong 5 mức tức là giai đoạn đầu của sự chuyển đổi số và còn khoảng cách rất xa mới chạm được Mức 3 của thang điểm đánh giá này.

Thực tế này cho thấy sự cần thiết của các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy cho khu vực này phát triển và tiếp cận chuyển đổi số cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng CNTT sẽ là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Do đó, chuyển đổi số và ứng dụng CNTT được xem là giải pháp hiệu quả cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiến nhanh và bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Nhóm PV