Các bộ ngành địa phương tha hồ đua nhau làm cảng biển, sân bay… Dù quyết định đầu tư sai nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm.

Mù thông tin

Tại diễn đàn về tái cơ cấu đầu tư công hôm 29/11 tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Lê Xuân Bá đã thẳng thắn: “Hiện nay, Trung ương gần như mù thông tin về đầu tư công ở các bộ ngành và địa phương. Có ai báo cáo đâu mà biết. Điều này dẫn đến chuyện là có chương trình này dự án nọ, Trung ương muốn điều chỉnh, bổ sung và thay đổi trong quy hoạch cũng không có đủ thông tin mà điều chỉnh”.

Ông Bá dẫn chứng, NĐ 04 năm thay thế NĐ 92 năm 2006 đã làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của Bộ KHĐT về quy hoạch các địa phương, các ngành. NĐ 92 yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm định kỳ hàng năm báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch về Bộ KHĐT và UBND cấp huyện báo cáo định kỳ hàng năm về Sở KHĐT thì NĐ 04 đã bỏ yêu cầu này.

{keywords}
Đầu tư công kém hiệu quả những tái cơ cấu vẫn còn yếu ớt.

Với cơ chế phân cấp quản lý đầu tư về cho địa phương, hiệu quả phát huy sự năng động của địa phương chưa thấy nhiều thì đã thấy quy hoạch ngành mọc lên tràn lan, trùng lắp, không đồng bộ. Thậm chí quy hoạch của địa phương này lại ảnh hưởng xấu cho định hướng phát triển của địa phương khác.

Ông Bá khẳng định, giữa các địa phương không có sự tham vấn, gắn kết trong việc xây dựng quy hoạch mà ngược lại, họ ganh đua nhau, chạy theo phong trào, từ việc xây khu công nghiệp, cho đến sân bay, cảng biển, sân gofl… Chỉ một thời gian ngắn sau khi phân cấp, hàng loạt sân golf đã được các địa phương đưa vào quy hoạch.

Hiện nay, ở miền Trung, hầu như tỉnh nào cũng đầu tư một cảng biển, cá biệt, có tỉnh có 2-3 cảng biển. Trên chiều dài 600km bờ biển, cứ 30-40km lại có một cảng biển. Trong khi đó, việc quy hoạch cảng biển lại thường chỉ đưa ra tầm nhìn 10 năm, 20 năm mà chưa có cảng biển nào tầm nhìn 100 năm. Vì thế, cảng xây xong, chỉ một thời gian ngắn là lỗi thời về quy mô, trình độ công nghệ, quản lý…

Với quy hoạch ngành, với ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì lập quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt, đường cao tốc, hệ thống cảng hàng không, cảng biển, song các quy hoạch này lại được nghiên cứu độc lập, thẩm định và phê duyệt riêng rẽ. Hệ quả là hệ thống giao thông đô thị thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn giao thông ở thành phố lớn. Hầu hết cảng biển không phát huy được hiệu quả do các đường bộ, đường sắt dẫn ra vào cảng chậm tiến độ.

Trong khi đó, các tỉnh lập dự án quy hoạch thì đa phần đều chỉ dựa vào vốn ngân sách Nhà nước, mà quên đi yếu tố quan trọng như thể chế, nhân lực… trong khi nguồn vốn đưa ra đều khổng lồ.

Theo quy hoạch hàng không có 138 sân bay, 61 cảng hàng không sân bay, tổng vốn và 67 bãi hạ cánh dự bị. tổng mức đầu tư cho dự án hệ thống cảng hàng không giai đoạn 2001-2005 lên tới 27.000 tỷ đồng nhưng rốt cục, trong 4 năm này, ngân sách chỉ có thể bố trí được 2.510 tỷ đồng, bằng 9,26%.

“Nếu như các tỉnh lân cận có thể tự nguyện hợp tác với nhau, có thể thống nhất với nhau về vị trí đặt cảng biển, sân bay… và tổ chức mạng lưới hoạt động thì đã có thể huy động đủ tiềm lực xây dựng, duy trì hoạt động của các cảng biển, sân bay đó”, ông Bá bày tỏ.

Quyết tâm tái cơ cấu quá yếu ớt

Từ những câu chuyện trên cho thấy, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, chính cách lập quy hoạch đã gây ra sự lãng phí vốn đầu tư, làm thiệt hại các nguồn tài nguyên xã hội, làm yếu sức mạnh đầu tư tổng thể.

GS Nguyễn Quang Thái chia sẻ, 70% vốn công trong ngân sách được phân bổ về cho địa phương. Số tiền này sau khi phân về cho 63 tỉnh thành thì tiếp tục chia ra cho hàng trăm huyện, hàng nghìn xã.. với tiêu chí ưu tiên nhưng lại đòi hỏi công bằng, tức là chia đều. Các địa phương lại thường hi sinh các dự án xã hội để tập trung cho các dự án kinh tế, rất tốn kém nhưng hiệu quả không cao.

Vị chuyên gia này phân tích, vốn ngân sách thường được phân giao cho các DNNN và tổ chức kinh tế của Nhà nước tham gia cấp vốn, thực hiện đầu tư, cơ quan Nhà nước tham gia quản lý. Thực tế, ngân sách có nguồn thu chủ yếu là từ nguồn đóng thuế của dân nhưng toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án thì người dân biết rất ít. Dân khó có thể luận bàn, càng khó kiểm tra trong khi. Tóm lại, chỉ một bộ phận DNNN, cơ quan công quyền được tường tận quá trình này nhưng rốt cục, công trình kém hiệu quả, nợ nần thì người dân gánh chịu.

TS Lê Xuân Bá nói, quy định thì nhiều nhưng lại chồng chéo nhau, các văn bản chính sách lại quy định thiếu chế tài để đảm bảo làm ăn nghiêm túc. Chính sự lỏng lẻo này đã khiến người ra quyết định đầu tư sai nhưng không chịu trách nhiệm.

“Họ bảo họ dốt thì chả ai bắt tù ông dốt mà còn được cho đi học”, ông Bá nói.

Trong khi đó, theo chuyên gia Phạm Chi Lan bình luận, việc tái cơ cấu đầu tư công đã được đề ra nhưng chưa thực hiện một cách mạnh mẽ và hiệu hiệu quả”.

Giai đoạn 2002-2012, tổng vốn đầu tư toàn xã hội liên tục tăng, bình quân mỗi năm tăng 15,89%. Tuy tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư của xã hội có xu hướng giảm dần qua các năm, song nhìn tổng thể, sự sụt giảm này không phải do Nhà nước thực hiện chính sách hạn chế đầu tư công mà do các khu vực kinh tế khác có tốc độ tăng cao hơn. Nguồn vốn từ ngân sách thường chiếm từ 43%- 64% trong tổng vốn đầu tư.

Phạm Huyền