Tại buổi Tọa đàm, chia sẻ với hơn 30 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Italia, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thuý Lan đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.

Đồng thời bà Thuý Lan khẳng định, Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, với nền chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ, chất lượng cơ sở hạ tầng nằm trong top 4 của cả nước; chất lượng lao động, đặc biệt là mức độ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp luôn được đánh giá cao…

vinhphuc.png
Một góc tỉnh Vĩnh Phúc

Tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh thu hút được 830 dự án DDI, tổng vốn đầu tư gần 5,74 tỷ USD; 453 dự án FDI đến từ 20 quốc gia/vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 7,76 tỷ USD. Trong qúy I/2023, Công ty Piaggio Việt Nam tiếp tục tăng quy mô sản xuất, lắp ráp xe máy tay ga, xe mô tô, xe gắn, nâng công suất sản xuất từ 250.000 sản phẩm lên 400.000 sản phẩm/năm; sản xuất, lắp ráp động cơ tăng từ 300.000 sản phẩm lên 400.000 sản phẩm/năm; vốn đầu tư tăng thêm 75 triệu USD, chiếm 42,91% tổng vốn FDI đăng ký vào Vĩnh Phúc. Italia trở thành quốc gia đầu tư vào tỉnh nhiều nhất trong quý I/2023, nâng tổng mức đầu tư của dự án là 165 triệu USD...

Đến nay, Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia như: Polaris (Hoa Kỳ); Piaggio (Italia); De Hues (Hà Lan); Toyota, Honda, Somitomo, Sojitz (Nhật Bản), Haesung, Partron, Jawha (Hàn Quốc), …

Tại Tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Italia đã bày tỏ sự quan tâm và đánh gia cao về môi trường và chính sách thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc. Đồng thời, mong muốn trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp Italia có thể hợp tác, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương trong các lĩnh vực du lịch, văn hoá, công nghiệp phụ trợ.

Thanh Sơn