- Từ bỏ công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin, anh Phúc quyết định về quê chăm đàn chim bồ câu, chim cu gáy. Chìa đôi tay chi chít những vết chim mổ, anh cười hiền vì duyên phận đã gắn anh với nghề hái tiền tỷ này.

Các tin liên quan

"Chim đặc sản" cực đẹp của Việt Nam hút dân chơi

Đại gia Hà thành bỏ trăm triệu đồng chơi chim

Thú chơi chim, cá cảnh tiền tỷ của đại gia Việt

Từng nghĩ phải bỏ nghề

Dân làng Hiệu Chân, thôn Tân Hưng, Sóc Sơn, Hà Nội mỗi lần nói về trang trại nuôi chim cu gáy, chim bồ câu của chàng thanh niên 26 tuổi Nguyễn Văn Phúc đều tỏ vẻ thán phục, thay vì hoài nghi như trước. Cách đây 4 năm, khi Phúc quyết từ bỏ công việc của một anh kỹ sư công nghệ thông tin, người làng ai nấy đều bất ngờ và cho rằng, anh “có vấn đề”.

Theo họ, người có ăn học đàng hoàng, lại cao ráo đẹp trai như anh mà bỏ nghề, về làm trang trại giống nông dân, há chẳng phải là... dở hơi hay sao? Dân làng bàn ra tán vào ghê gớm, nhưng Phúc vẫn cương quyết làm, vì ham mê chim từ nhỏ, và cũng là ảnh hưởng từ cái thú nuôi chim của cha.

{keywords}
Anh Phúc chăm sóc những chú chim trong trang trại.

Khởi nghiệp năm 2009 với 30 đôi chim cu gáy và 100 đôi chim bồ câu, Phúc cần mẫn và chăm chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng chúng, như một phép thử cho chính tương lai của mình. Chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi chim, anh từ từ tìm hiểu từ sách vở, rồi hỏi han kinh nghiệm của cha, của bà con gần xa. Ngày ngày gắn bó với đàn chim từ cái máng nước đến thức ăn, dọn vệ sinh chuồng trại, đêm nằm vắt óc suy nghĩ cách phát triển đàn, rồi tăng năng suất, Phúc làm quen dần với công việc.

Nhưng đúng như người xưa đúc kết “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, cuối 2009, đợt dịch gia cầm càn quét các địa phương, không loại trừ ai. Phúc bị chết hơn 200 đôi chim lớn nhỏ, thiệt hại cả 100 triệu đồng. Đó thực sự là cú sốc lớn đối với anh.

{keywords}
Chuồng trại nuôi chim sạch sẽ, hợp vệ sinh.

“Lúc ấy tôi suy sụp và chán nản tới mức xác định bỏ nghề. Bố mẹ tôi động viên tôi không có duyên với chim, và cũng không thể có lộc từ nghề này. Nhưng tôi nghĩ, có thể đó là những bước khó khăn ban đầu. Trời không phụ lòng người. Và tôi lại tiếp tục nuôi chim”, anh Phúc chia sẻ.

Sau đó, suốt 2 tháng ròng, anh lang thang khắp các tỉnh, thành miền Bắc, hễ nghe ai nói nơi nào có người nuôi chim lâu năm là lân la xin học hỏi kinh nghiệm, rồi tìm hiểu nghề. Anh còn xuống các trung tâm chăn nuôi, gặp gỡ các chuyên gia nhờ tư vấn cách chăm sóc, phòng bệnh cho chim. Gian nan lắm, học hỏi được nhiều, anh trở về quyết tâm vực dậy đàn chim.

{keywords}
Đôi bồ câu ngũ sắc Hà Lan thuộc loại quý hiếm.

Đến nay, trang trại của anh có diện tích khoảng 200m2, với khoảng 130 đôi chim cu gáy và 1.000 đôi chim bồ câu cùng một số lượng không nhỏ chim trĩ. Một đôi bồ câu thịt anh bán 130.000 đồng, đôi bồ câu Mỹ giống có giá 500.000 đồng. Một tháng, trang trại nuôi chim cho anh thu nhập bình quân khoảng 50-60 triệu đồng.

Khách hàng của anh trải đều từ các tỉnh, thành trong cả nước như Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội... Họ nhập mỗi lần ít thì 20-30 đôi, nhiều thì 200-300 đôi, tùy nhu cầu và sở thích mà chọn các giống chim các nhau. Khi bán chim giống, anh cũng kết hợp phổ biến cho khách kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho chim, hướng dẫn họ cách vệ sinh chuồng trại, phát triển mô hình.

{keywords}
Đôi chim bồ câu Mỹ vàng hiếm hoi trong trang trại.

Lớp học luyện thanh độc nhất vô nhị

Không chỉ nuôi chim lấy thịt và bán giống, anh Phúc đã từng mở các “lớp học luyện thanh” cho những chú chim cu gáy có chất lượng tốt và bán được giá cao. Kể về những lớp học luyện thanh này, anh chỉ cười, coi đó là niềm vui hàng ngày, nhân lên giá trị cuộc sống.

Anh kể, chim cu gáy có đặc tính nhát người nên việc luyện thanh cho chúng mất khá nhiều công sức và cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn. Để huấn luyện chim gáy tốt, anh đề cao vai trò của các bản nhạc. Thông thường, anh sẽ thu các bản nhạc hay, đặc sắc rồi khuyến khích cho cu gáy hót theo. Vào các buổi sáng, anh cũng dạo các bản nhạc hay cho chim nghe, và dạy chim gáy theo kinh nghiệm riêng của mình.

{keywords}
Một vị khách đến trang trại mua chim.

Với mỗi chú chim cu gáy, để đạt được “chất giọng” tốt, anh phải dành ra ít nhất 1 năm huấn luyện, nhiều thì 2 năm. Anh cho biết: “Tôi đã huấn luyện qua nhiều con cu gáy, nhưng thành công nhất là được con “3 lèo 6 bổ” (gáy được 3 lèo và bổ được 6 lần - PV), huấn luyện trong 2 năm và bán được 19 triệu đồng”.

Việc nuôi và huấn luyện cu gáy nhiều phen nhớ lại làm anh bật cười. “Có khi, luyện được 1 con cu gáy gáy thuần thục, chuẩn giọng nhưng vốn là giống nhát người nên khi gặp khách, cu gáy lại không gáy được. Người khách bực dọc nghi ngờ, nghĩ rằng tôi nói chơi mà đùa bỡn. Đến lúc khách dắt xe ra về, chim mới gáy, thành thử có lần tôi phải gọi khách lại mà chứng thực giọng của chim”.

"Lại lần khác, có ông khách 3 ngày liền chầu chực ở cổng trang trại “nghe trộm” tiếng cu gáy. Ngày nào cũng như ngày nào, ông ấy đi cả chục km chỉ để đến nghe chim gáy rồi lại ra về. Đến ngày thứ 4, ông ấy mới lân la vào hỏi chuyện và đòi mua con chim mà ông ấy “mê mẩn” mấy ngày trời".

Khổng Chiêm