Theo SCMP, tháng trước Nhật rúng động với bê bối Bộ trưởng Thế vận hội Yoshitaka Sakurada đi họp quốc hội muộn ba phút. Ngay lập tức, đảng đối lập đã tiến hành một cuộc biểu tình kéo dài 5h để phản đối hành động này trong khi công chúng cũng lớn tiếng chỉ trích. Vài ngày sau, ông Sakurada buộc phải xin lỗi.

{keywords}
 

Đó không chỉ là trường hợp của một người nổi tiếng. Với các nhà điều hành dịch vụ, các cơ quan hay những gì liên quan tới công việc, chuẩn giờ là một trong những điều quan trọng tột bậc ở Nhật.

Năm 2018, đoàn tàu JR-West Railway khởi hành sớm 25 giây. Việc này bị công chúng chỉ trích nặng nề và công ty buộc phải lên tiếng xin lỗi. "Chúng tôi thành thực xin lỗi vì sự bất tiện đã gây ra với các hành khách".

Được biết, ngay từ khi còn nhỏ, người Nhật đã được dạy phải đúng giờ. "Cha mẹ tôi luôn nói rằng điều quan trọng là không bị trễ giờ", Issei Izawa, một sinh viên đại học 19 tuổi nói.

Bà nội trợ Kanako Hosomura, 35 tuổi, sống ở khu Saitama cho biết, cô rất ghét muộn giờ dù chỉ là một phút. "Tôi thà tới chỗ hẹn sớm hơn còn hơn để ai đó phải chờ mình". Người phụ nữ này cho hay, không muốn tiếp tục làm bạn với những người tới muộn và gây khó chịu cho người khác.

Tuy nhiên, việc chuẩn giờ đôi khi cũng là điều khiến cho một số người bị stress. "Bạn gái tôi làm việc tại tổng đài của JR Railways. Tuần trước, sau giờ nghỉ, cô ấy về và được người quản lý nhắc nhở rằng đã muộn 10 giây", một nam giới đề nghị giấu tên cho hay.

Việc người Nhật coi trọng đúng giờ thường được người nước ngoài coi là kỳ lạ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chậm giờ đã có tác động thực sự lên kinh tế. Tại Anh, công nhân đi làm muộn giờ đã gây thiệt hại cho kinh tế nước này 11,7 tỷ USD, báo cáo năm 2017 của Heathrow Express cho hay. Ngoài ra, hơn nửa số người tham gia khảo sát trong báo cáo trên cho hay, họ thường đi làm và đi họp muộn.

Tuy nhiên, không phải người Nhật lúc nào cũng chuẩn giờ. Willem Huyssen van Kattendijke, một sĩ quan hải quân Hà Lan tới Nhật năm 1850 viết trong nhật ký rằng người Nhật không bao giờ đúng giờ. "Sự chậm trễ của người Nhật thật đáng ngạc nhiên", ông này cho hay. Vào thời điểm đó, tàu ở Nhật thường chạy chậm 20 phút so với lịch trình.

Vào thời Minh Trị (1868-1912), Thiên hoàng đã tiến hành những cải tổ quan trọng về quân sự và công nghiệp, đúng giờ trở thành tiêu chuẩn, Tuần báo Khoa học, công nghiệp và Xã hội Đông Á do đại học Duke viết. Đúng giờ được coi là yếu tố then chốt đối với sự phát triển của Nhật, từ một nước nông nghiệp trở thành công nghiệp hóa hiện đại.

Thời điểm dó, đồng hồ trở thành một món đồ phổ biến và ý niệm về một ngày có 24h đã trở nên quen thuộc với dân thường. Theo nhà nghiên cứu Ichiro Oda, đó chính là lúc người Nhật nhận thức được "thời gian là tiền bạc".

Tới những năm 1920, tính đúng giờ đã được đề cập nhiều trong việc tuyên truyền ở Nhật.

Hoài Linh