- Cần dạy chữ Hán trong trường phổ thông vì hiện thực đã cho thấy chất lượng dạy và học môn Ngữ văn đã và đã vàđang có dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng.


Đây là một điều cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và nhanh chóng có những công trình điều tra xã hội trên bình diện rộng khắp, từ đó đưa ra những giải pháp thật cụ thể và thiết thực để chấn chỉnh.

{keywords}
Ảnh Đinh Quang Tuấn

Ngôn ngữ có mối quan hệ một cách mật thiết đối với văn hoá dân tộc, nói như L. Hevvett: "Không có một chiếc chìa khoá vạn năng nào để mở cửa vào cuộc sống nội tâm của một dân tộc ngoài trừ ngôn ngữ của dân tộc đó". Như vậy hẳn nhiên để giữ gìn cũng như phát triển văn hóa dân tộc, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề ngôn ngữ đặc biệt là quá trình giảng dạy ngôn ngữ trong nhà trường phổ thông qua môn Ngữ văn.

Qua sự trao đổi với nhiều đồng nghiệp, chúng tôi thấy một nguyên nhân hết sức quan trọng khiến cho học sinh không hứng thú với việc học tiếng mẹ đẻ là vì không hiểu hết những từ ngữ mà bản thân các em sử dụng để giao tiếp hằng ngày lẫn một số từ ngữ trong văn bản mà các em tiếp cận. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề chính là việc học sinh chưa nắm vững nghĩa của những yếu tố cấu thành từ Hán Việt.

Như đã biết, vì đặc điểm của lịch sử, tiếng Việt tiếp xúc với tiếng Hán trong một thời gian dài. Hệ quả là đến ngày nay lượng từ Hán Việt tồn tại trong kho từ vựng của chúng ta khoảng hơn 70%.

Theo Lê Xuân Thại thì: "Trong tiếng Việt có khoảng 3000 yếu tố Hán Việt. Số lượng này xấp xỉ với số lượng yếu tố Hán trong tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên". Tuy nhiên từ khi chế độ phong kiến sụp đổ thì chữ Hán mất dần địa vị. Chữ Quốc ngữ đã đóng vai trò then chốt trong việc kiến tạo nền văn hoá Việt Nam mới. Đặc biệt là việc thanh toán nạn mù chữ vì tốc độ lĩnh hội của người học chữ Quốc ngữ nhanh hơn nhiều so với chữ Hán.

Chúng ta yên tâm, thậm chí rất đỗi tự hào rằng: Việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ là một bước tiến dài trong lịch sử tiếng Việt. Tuy nhiên trong những năm gần đây các học giả nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ đã cho thấy vấn đề chưa hẳn đã vậy.

GS Đặng Đức Siêu, đã nhận xét: "Từ khi từ Hán Việt nhất loạt được phiên chuyển từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ, hoạt động song ngữ văn hoá Việt – Hán suy yếu dần, những khó khăn lầm lẫn trong việc nhận thức ý nghĩa của từ Hán Việt  nói chung, từ ngữ Hán Việt đồng âm nói riêng đã trở nên phổ biến hơn nhiều".

GS.TS Nguyễn Ngọc San đã có những nhận định hết xác đáng: "Đến đầu thế kỉ XX, chữ quốc ngữ bắt đầu được phổ biên rộng khắp và thay thế hoàn toàn chữ Nôm. Đây là một bước phát triển nhảy vọt; văn tự Việt Nam từ chổ ghi ý và ghi na ná âm tiết đã chuyển sang ghi âm vị và có phần nào ghi sát âm hơn là các văn tự ghi âm vị trong họ Ấn – Âu.

Tuy nhiên, cũng có thể đứng về mặt khác mà nói đây là một bước lùi. Trong văn tự mới này đã mất yếu tố ghi ý, các từ Hán Việt hoà lẫn vào các từ thuần Việt về mặt hình thức, tạo ra hàng loạt từ đồng âm mà ý nghĩa dễ gây sự lẫn lộn, chất tư duy thị giác hoàn toàn biến mất".

Những áng văn thơ bị "bỏ rơi"

Quả thật điều ấy đã được bộc lộ ngày càng rõ nét trong tình hình học tập môn Ngữ văn hiện nay. Khi thực hiện hoạt động đọc hiểu các em không hiểu một cách tường minh những từ ngữ có trong văn bản hoặc khi tạo lập văn bản, các em sử dụng từ Hán Việt nhưng không hiểu rõ nghĩa, từ đó dẫn đến dùng sai rất nhiều.

Đó chính là lí do khiến học sinh giảm sút sự hứng thú khi học môn Ngữ văn. Nếu như không hiểu biết về Hán tự thì nhãn tự của những thi phẩm được viết bằng chữ Hán sẽ dễ dàng bị bỏ qua một cách đáng tiếc.

Ví dụ khi tiếp cận Nam quốc sơn hà mà không hiểu sâu chữ đế 帝, chữ quốc 國 trong cái nhìn lịch đại thì làm sao có thể thấy được tầm vóc của tác phẩm.

Tiếp cận Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du không so sánh được tại sao Nguyễn Du chọn từ khấp 泣 chứ không phải từ khốc 哭 (mặc dầu hai chữ này đều chỉ hoạt động khóc) trong câu: Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như thì làm sao có thể thấy hết được sự tinh tế khi sử dụng từ ngữ của đại thi hào.

Không hiểu chữ Hán thì làm sao học sinh có thể hiểu được sự tinh tế và tài hoa trong câu thơ chiết tự độc đáo của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

Duyên thiên (天) chưa thấy nhô đầu dọc (夫)

Phận liễu (了) sao đà nẩy nét ngang (子)

(Không chồng mà chửa)

Còn rất nhiều những áng thơ văn trong quá khứ đã bị chúng ta "bỏ rơi" như thế vì một nỗi ta không biết chữ Hán!

Đáng quan tâm hơn là trong quá trình giao tiếp, học sinh sử dụng từ Hán Việt hết sức tùy tiện. Vì các em không hiểu chính những từ mà mình dùng, các em sẽ có những lí giải hết sức ngô nghê.

Ví dụ: với từ "thiên lệch", các em đã rất thản nhiên giải thích: thiên là trời, lệch là không thẳng. Trời là lực lượng siêu nhiên đại diện cho công bằng mà lực lượng ấy lại không ngay thẳng nên từ thiên lệch có nghĩa chung là chỉ việc gì đó không được đối xử một các công bằng!… Ở đây, các em đã nhầm lẫn chữ thiên là trời với chữ thiên mang nét nghĩa là lệch...

Những nguyên nhân khiến cho việc học sinh hiểu sai những từ ngữ mang yếu tố Hán hiện nay là:

Đồng âm giữa những từ Hán Việt và từ Hán Việt. Ví dụ:

-    Thiên 天: trời (Thiên hạ, thiên nhiên, thiên lí, thiên địa)

-    Thiên 千: nghìn (thiên niên kỉ, thiên tuế, thiên thu, thiên lí…)

-    Thiên 偏: lệch (thiên vị, thiên hướng, thiên kiến…)

-    Thiên 遷: dời (thiên di, thiên chuyển, thiên đô….)

-    Thiên 篇: bài (thiên phóng sự, đoản thiên…)

Đồng âm giữa những từ Hán Việt và từ thuần Việt. Ví dụ: Ngoan 頑 trong ngoan cố, ngoan cường đồng âm với ngoan trong: ngoan ngoãn, ngoan hiền, phiếu bé ngoan

Hiểu lầm hoặc không phân biệt rạch ròi các từ Hán Việt gần âm hoặc gần nghĩa. Ví dụ: Mãi 買: mua # mại 賣: bán (Khuyến mãi ≠ khuyến mại).

Khi tìm hiểu sâu vấn đề này chúng tôi còn nhận ra thêm được một hiện thực nữa: Chính bản thân rất nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn cũng không nắm nghĩa của những chữ Hán có trong văn bản.

{keywords}
Ảnh Đinh Quang Tuấn

Nhìn lại quá trình đào tạo sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, chúng ta thấy số lượng tiết học cho môn Hán Nôm quá ít và sinh viên thường cảm thấy không mấy hứng thú khi học môn này.

Vì lên đại học các bạn sinh viên mới tiếp xúc, không có nền tảng căn cơ mà thời gian học tập lại không nhiều, dẫn đến tình trạng giảng viên và sinh viên cùng "cưỡi ngựa xem hoa", chưa hiểu hết Lục thư (Sáu loại chữ lập thành Hán tự), chưa nhớ hết 214 bộ thì đã quay sang phân tích bộ trong chữ, rồi minh giải nguyên tác chữ Hán của các bài thơ Đường luật, thơ cổ phong, những đoạn biền văn khó như: Bình Ngô đại cáo, Dự chư tùy tướng hịch văn, Bạch Đằng giang phú… quả thật là việc quá sức.

Đó là chưa kể đến những văn bản nhật dụng có sử dụng nhiều từ Hán Việt khó như: Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại của Nguyễn Khắc Viện, Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của Trần Đình Hượu, Tư duy hệ thống, nguồn sức sống mới trong việc đổi mới tư duy, Phan Đình Diệu….

Dạy chữ Hán vì những lẽ sau...

Hiện nay chúng ta chủ trương dạy tiếng Anh cho học sinh ngay từ lớp ba. Nhưng theo chúng tôi, thay vì dạy Tiếng Anh chúng ta nên dạy chữ Hán, vì những lẽ sau:

Thứ nhất, Tiếng Anh được xây dựng bằng hệ thống kí âm (ABC) nên để tiếp nhận hệ thống ngôn ngữ này chỉ cần một khoảng thời gian không quá dài. Học sinh bắt đầu học từ cấp THCS vẫn là không muộn lắm.

Thứ hai, xét về phương diện văn hóa, chúng ta cần phải hiểu ngôn ngữ dân tộc để thông qua đó hiểu văn hóa dân tộc. Đến đây ta lại càng nhận thấy ý kiến của Nguyễn An Ninh từ những năm đầu của thế kỉ 20 vẫn còn nguyên giá trị "chỉ có những người đã hiểu biết vững một nền văn hóa rồi mới có khả năng thưởng thức một nền văn hóa ngoại bang".

Vì những lí do trên chúng tôi nghĩ rằng những cơ quan hữu quan nên sớm có một lộ trình khoa học để nhanh chóng đưa việc giảng dạy chữ Hán vào nhà trường phổ thông.

Điều này từng được nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết đề xuất như GS Cao Xuân Hạo đã nhận định "Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai họa không hoán cải được nữa, nhưng ta có thể bổ cứu sự mất mát ấy bằng cách dạy chữ Hán như một môn bắt buộc ở nhà trường phổ thông. Người Việt sẽ không thể giỏi tiếng Việt nếu không thấu đáo nghĩ của tiếng Hán-Việt, vốn chiếm tỉ lệ hơn 70% trong vốn từ vựng tiếng Việt", hay GS Nguyễn Đình Chú đã phát biểu "thiết tưởng đã đến lúc cần đặt vấn đề học chữ Hán trong nền giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay một cách thấu đáo, có bài bản, có chủ trương kế hoạch hẳn hoi".

Tiếng Việt chứa đựng linh hồn của người Việt. Vậy nên là người Việt Nam nhiệm vụ giữ gìn tiếng nói của cha ông là một nhiệm vụ thiêng liêng.

Việc ấy không thể làm được nếu như chữ Hán chưa được khôi phục trong hệ thống giáo dục từ bậc phổ thông. Đồng thời một điều đáng quý nữa là với một kho di sản văn hóa khổng lồ của dân tộc trong quá khứ sẽ có cơ hội được thế hệ trẻ bảo lưu và phát huy.

  • Nhà giáo Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh)