Triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XX, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số của tỉnh được đầu tư, phát triển hiện đại, đồng bộ từ các cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã. 

Các hệ thống thông tin, phần mềm, dịch vụ số dùng chung của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ đến các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử.

Dịch vụ hành chính công ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. 

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định, đến nay đã có hơn 6,1 triệu lượt truy cập vào Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tích hợp Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; được triển khai đến 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 

Cổng dịch vụ công trực tuyến niêm yết công khai 1.723 thủ tục hành chính của tỉnh, 100% hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được các cơ quan nhà nước 3 cấp của tỉnh tiếp nhận, giải quyết công khai trên cổng.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tích hợp, kết nối và cung cấp 1.213 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đã tiếp nhận, xử lý và giải quyết theo đúng quy định 14.215 thủ tục hành chính từ Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số, đổi mới lề lối, phương thức làm việc. Triển khai, xây dựng hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đối với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phục vụ công tác theo dõi quá trình xử lý công việc được giao. Từ đó, có các biện pháp đôn đốc, nhắc việc trên hệ thống phần mềm hoặc thông báo nhắc việc qua hệ thống SMS. 

100% các sở, ngành, 10 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn đã có Cổng/ Trang thông tin điện tử hoạt động ổn định, thông tin được cập nhật đầy đủ, kịp thời. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được triển khai hiệu quả đến cấp xã đảm bảo chất lượng phục vụ các cuộc họp trực tuyến trên toàn tỉnh, đặc biệt phục vụ hiệu quả các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến đến các xã.

Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đảm bảo hoạt động ổn định. 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh và 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã đã được cấp thư điện tử công vụ để phục vụ việc trao đổi thông tin trong giải quyết công việc. 

Hiện nay, 100% tài khoản và mật khẩu thư công vụ đã được tích hợp với Hệ thống đăng nhập một lần của tỉnh (SSO) để sử dụng đăng nhập vào các phần mềm dùng chung của tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. 

Về triển khai nhận, gửi văn bản điện tử và ứng dụng chữ ký số: Đến nay, 100% cơ quan nhà nước 3 cấp của tỉnh và 100% cơ quan Đảng thuộc Tỉnh ủy, 100% các tổ chức đoàn thể và 10 Huyện ủy, Thành ủy được cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Đã cấp, bàn giao, hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho 648 tổ chức, 4.630 cá nhân thuộc UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn. 

Bình quân hàng tháng có gần 8.000 văn bản sử dụng chữ ký số của các cơ quan nhà nước ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) được xử lý trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Việc ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động đã được triển khai. Đến nay đã cấp được 168 Sim PKI cho các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc, Phó giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện thành phố. 

Hoàn thành việc chuẩn hóa, điện tử hóa chế độ báo cáo và nhập liệu bộ chỉ tiêu năm 2022 phục vụ chỉ đạo, điều hành của các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn của tỉnh trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh. 

Nam Định cũng đã hoàn thành việc cập nhật khung kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0 làm cơ sở tham chiếu trong triển khai thực hiện chuyển đổi số; xây dựng phát triển chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. 

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của của tỉnh được mở rộng với 371 điểm đảm bảo về kỹ thuật, an toàn thông tin phục vụ việc kết nối, liên thông 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh và đến tất cả các sở, ngành, UBND 10 huyện, thành phố; UBND 226 xã, phường, thị trấn. 

Đặc biệt, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo cài đặt và vận hành hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chuyển đổi số; xây dựng phát triển chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh..

Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng của tỉnh (SOC) vận hành 05 giải pháp và được kết nối với Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu và các hệ thống thông tin trong quá trình vận hành, kết nối, trao đổi….

Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định cho hay, công tác thực hiện chuyển đổi số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính hướng tới phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh của tỉnh Nam Định năm 2022 tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Trọng Quế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tại một số đơn vị, địa phương chưa đạt yêu cầu. Hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số doanh nghiệp chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ số. Việc tham gia sử dụng công nghệ số của người dân còn ở mức độ nhất định. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo ông Quế, trong năm 2023, Sở sẽ tiếp tục hoàn thành việc rà soát và cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện của tỉnh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh theo hướng dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo Nghị định số 43/2022/NĐ-CP.

Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Trong đó tập trung đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính đến cấp xã; triển khai thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục,

Tiếp tục thực hiện việc số hóa thành phần hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tại Bộ phận một cửa đến cấp xã.

Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối, giám sát, kiểm soát truy cập tập trung của mạng truyền số liệu chuyên dùng, bảo đảm ổn định, thông suốt, kết nối 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã để phục vụ chính phủ số. 

Nghiên cứu sử dụng công nghệ nền tảng điện toán đám mây hoặc dịch chuyển cơ sở hạ tầng hiện có lên nền tảng điện toán đám mây, từng bước áp dụng nền tảng, dịch vụ điện toán đám mây phục vụ chuyển đổi số. 

Tiếp tục đưa vào sử dụng các nền tảng, ứng dụng mới phục vụ người dân, trong đó quan tâm nghiên cứu đưa vào sử dụng các công nghệ nền tảng 10 phục vụ việc giao tiếp, tương tác hai chiều giữa người dân và cơ quan nhà nước trên thiết bị di động. 

Hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” phục vụ việc xây dựng chính phủ số, chuyển đổi số, đô thị thông minh của tỉnh.

Lê Thị Thúy, Nguyễn Mạnh Hưng, Vũ Thị Thúy Ngân