Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg Ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định, nông nghiệp là một trong 8 ngành được ưu tiên chuyển đổi số, với định hướng rõ chuyển đổi số của ngành.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Những ứng dụng công nghệ số giúp tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, giúp tăng năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư 18 quy định việc cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt.
Cơ sở cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt bao gồm: cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến trồng trọt; cơ sở dữ liệu về giống cây trồng; cơ sở dữ liệu về phân bón; cơ sở dữ liệu về sản xuất trồng trọt; cơ sở dữ liệu về đất trồng trọt; chế biến và thị trường sản phẩm trồng trọt; văn bản quy phạm pháp luật về trồng trọt; và cơ sở dữ liệu về chế biến, thị trường sản phẩm trồng trọt.
Cùng với việc quy định cụ thể về tần suất cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, Thông tư mới của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ các nguyên tắc quản lý tài khoản cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, bao gồm: Phân cấp, phân quyền trong việc cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; Cấp, khóa tài khoản cập nhật cho cá nhân (cán bộ, công chức, viên chức), cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức chứng nhận;
Tổ chức được cấp tài khoản phân công cho cá nhân thuộc tổ chức mình thực hiện việc quản trị, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; Cá nhân được cấp tài khoản thực hiện việc bảo mật, quản trị, cập nhật, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt và sử dụng tài khoản được cấp đúng mục đích; Tài khoản cập nhật bị khóa khi thuộc một trong các trường hợp tổ chức được cấp tài khoản giải thể, chấm dứt hoạt động, chuyển nhượng; cá nhân được cấp tài khoản thay đổi công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu.
Về khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, Thông tư 18 quy định, tổ chức thực hiện chức năng đầu mối xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt cấp trung ương và cấp tỉnh được quyền khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt theo phân cấp. Tổ chức, cá nhân được khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt quy định tại các điều 3, 4, 5, 6, 7 và 8 của Thông tư này.
Đáng chú ý, trong Thông tư mới ban hành, Bộ NN&PTNT cũng quy định chi tiết về 7 biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, đó là: Sử dụng phần mềm phù hợp, có bản quyền và ứng dụng công nghệ nhằm ngăn chặn, phát hiện các xâm nhập trái phép; Sử dụng kênh mã hóa và xác thực người dùng các hoạt động sau: Đăng nhập quản trị hệ thống; đăng nhập vào các ứng dụng; gửi nhận dữ liệu tự động giữa các máy chủ; nhập và biên tập dữ liệu.
Đồng thời, thực hiện mã hóa đường truyền cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; Áp dụng biện pháp bảo đảm tính xác thực và bảo vệ sự toàn vẹn của dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; Thực hiện lưu vết việc truy cập, tạo, thay đổi, xóa thông tin dữ liệu để phục vụ việc quản lý, giám sát hệ thống; Xây dựng phương án sao lưu, dự phòng dữ liệu định kỳ nhằm bảo đảm hệ thống hoạt động liên tục, ổn định khi gặp các sự cố; Thực hiện biện pháp cần thiết khác để bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt.