Đồng bào Xtiêng ở Bình Phước được phân định ở hai vùng thấp (Bù Dek) và vùng cao (Bù Lơ), ngôn ngữ dân tộc theo hai nhánh này có phần khác nhau. Sau tiếng Việt, tiếng Xtiêng ở tỉnh Bình Phước cũng trở thành ngôn ngữ thứ hai với một số cán bộ, công chức, viên chức.

Thực tiễn qua Chương trình tiếng Xtiêng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Phước đã góp phần tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như kiến thức khoa học, kỹ thuật sản xuất đến với đồng bào. Góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Xtiêng trên địa bàn. 

Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh Nghệ An có hơn 10 năm giảng dạy và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Thái, Mông cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang ở tỉnh; riêng tiếng Lào chỉ cấp chứng nhận.

Mỗi năm, Trung tâm có 8 đến 10 lớp; mỗi lớp có 45 học viên. Đến năm 2017, trước nhu cầu học tiếng dân tộc ở giáo viên, cán bộ quản lý ngành Giáo dục, Trung tâm mở thêm 3 lớp để dạy, mỗi lớp 50 học viên.

Hiện Trung tâm có 7 giáo viên tiếng Thái cơ hữu (tuyển chọn từ 1 giáo viên Lịch sử, 1 giáo viên Ngữ văn và 5 giáo viên tiếng Anh). Đội ngũ này được đào tạo và cấp chứng chỉ bởi Sở GD&ĐT Nghệ An. Ngoài ra, trung tâm có 5 giáo viên dạy tiếng Mông được mời từ các trường tiểu học ở huyện Kỳ Sơn. Đối với tiếng Lào, trung tâm đã mời các lưu học sinh người Lào học chuyên ngành Sư phạm đang học tập chương trình thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Vinh tham gia giảng dạy trực tiếp và giảng viên của ĐH Quốc gia Lào dạy trực tuyến.

Trung tâm GDNN – GDTX TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) từ năm 2018 đến nay đã có 1.012 học viên học và được cấp chỉ tiếng DTTS Êđê. Hiện, trung tâm sử dụng giáo trình của Ban Nghiên cứu học sinh dân tộc tỉnh Đắk Lắk để giảng dạy cho học viên.

Ngoài giảng dạy lý thuyết, học viên còn đi thực tế, thực hành giao tiếp tại các buôn làng nhằm thành thục kỹ năng nghe - nói, phản ứng nhanh khi giao tiếp. 

Bên cạnh những thuận lợi, thực tế dạy tiếng dân tộc cũng còn vô vàn khó khăn như đội ngũ giáo viên của trung tâm phải mời thỉnh giảng từ các trường dân tộc nội trú, chưa có giáo viên cơ hữu để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Đồng thời, số lượng giáo viên được đào tạo về tiếng dân tộc chưa nhiều. Đặc thù ngành Giáo dục, giáo viên không chỉ biết kiến thức mà phải có phương pháp, nghiệp vụ sư phạm mới được đứng lớp.

Bên cạnh đó giáo trình vẫn chưa đồng bộ trên toàn quốc, còn nặng về lý thuyết, nội dung rộng, chưa chú trọng vào phần giao tiếp cho người học, do đó trung tâm mong có sự thống nhất về giáo trình hoặc có một có một bộ tài liệu chuẩn do Bộ GD&ĐT biên soạn và hướng dẫn triển khai.

Trước những hiệu quả thiết thực từ việc chuyển tải thông tin bằng tiếng dân tộc vừa góp phần thúc đẩy giảm nghèo thông tin, vừa góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, ngày 16/12/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4334/QĐ-BGDĐT, Quyết định số 4335/QĐ-BGDĐT phê duyệt SGK tiếng DTTS lớp 1, lớp 2 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Tiếp đó, ngày 19/12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4382/QĐ-BGDĐT, Quyết định số 4383/QĐ-BGDĐT, phê duyệt tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng DTTS lớp 2, lớp 1 (gồm tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng Bahnar, Chăm, Êđê, Jrai, Khmer, Mông, Mnông, Thái).

Những quyết định này nhằm mục tiêu đến 2025 sẽ hoàn thành biên soạn SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học cấp tiểu học với 8 tiếng DTTS đã được ban hành chương trình môn học nói trên. Bảo đảm đủ 100% SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học cấp tiểu học đối với 8 tiếng DTTS sau khi biên soạn. Ban hành mới ít nhất 1 chương trình môn học của tiếng DTTS đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình.

Tuyết Nhung và nhóm PV, BTV