Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam” ngày 25/9/2019, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: “Chính sách tín dụng cho người nghèo, trong đó tín dụng cho đồng bào DTTS là một điểm sáng trong toàn bộ chính sách cho đồng bào DTTS.”
Theo bà Trương Thị Mai, chính sách tín dụng cũng đã có bước chuyển quan trọng, thay đổi được nhận thức của người dân, thay đổi sinh kế và thay đổi cuộc đời. Thay vì một chính sách bao cấp cho không, người dân đã có ý thức trả nợ. Nguồn lực này không chỉ cho vay mà còn gắn với việc chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cho bà con sinh kế, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, từ đó hiệu quả lớn, đời sống bà con được cả thiện nâng cao, thoát nghèo bền vững hơn.
Đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào DTTS vươn lên làm giàu. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng chỉ ra, tín dụng CSXH đối với đồng bào DTTS thời gian qua vẫn còn một số khó khăn. Đó là, tỉ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm khá cao ở mức 60% số hộ nghèo trong cả nước khiến việc bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình đôi khi còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch được duyệt; chính sách tín dụng được thiết kế giải quyết cho từng giai đoạn, thời gian thực hiện chính sách ngắn, việc xử lý chuyển tiếp chậm nên hiệu quả chương trình có lúc chưa cao; một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động tín dụng này…
Do đó, bà Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành chức năng ở trung ương và địa phương cần có các giải pháp để Ngân hàng CSXH thực hiệu quả hơn nữa các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác.
Thứ nhất, các tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Trong đó, cần tập trung, ưu tiên nguồn vốn dành cho hộ đồng bào DTTS.
Thứ hai, để đồng bào DTTS có đủ điều kiện vượt qua khó khăn riêng có của mình như nêu trên, cần tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn, cấp đủ nguồn vốn để giúp cho các địa phương nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị đồng bộ, đẩy mạnh tính cạnh tranh trên thị trường…
Thứ ba, đối với tín dụng chính sách, cần xây dựng, ban hành chính sách tín dụng đầu tư theo Đề án giảm nghèo của từng vùng, từng địa phương, với mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa phù hợp với từng dự án, tạo bước đột phá để phát triển bền vững.
Thứ tư, để tạo điều kiện ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào DTTS, Quốc hội cần hình thành một nguồn vốn riêng và được cân đối bố trí từ Quốc hội để đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với đồng bào DTTS được ưu tiên nhất, với lãi suất cho vay phù hợp.
Ngoài ra, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng đề nghị các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, gắn kết các chương trình tín dụng với các mô hình sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức cho đồng bào DTTS không chỉ thoát nghèo mà từng bước quen dần với cơ chế thị trường và vươn lên làm giàu.
Bài: Trần Quốc Huy - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Thị Thảo - Nhóm PV