- Gần một tháng nay, trên một vài tuyến phố chính, ngoài tên của tuyến phố đó ra, phía bên dưới còn nghi rõ lai lịch của tuyến phố đó. Cả giới trẻ và người già đều rất hào hứng với ý tưởng này bởi khi tham gia giao thông mà lại được hiểu hơn được về lịch sử thì còn gì bằng. Nhưng…

Biển phụ đề nhằm giới thiệu với toàn xã hội các danh nhân lịch sử trong các lĩnh vực: văn hóa, khoa học, đấu tranh chống giặc ngoại xâm... Gắn liền với tên các tuyến phố, đồng thời biển phụ đề cũng giới thiệu các địa danh lịch sử, để mọi người dân Việt và khách nước ngoài phần nào hiểu thêm lịch sử Việt Nam. Với danh nhân ghi năm sinh, công trạng, ngày mất; Với địa danh ghi chiến tích, lịch sử. Việc gắn thêm lai lịch vào phía dưới bảng tên đường sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như mới đây ông Phạm Ngọc Hùng - Phó chủ tịch hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam không đưa đơn kiện vì mình bị ăn cắp bản quyền. Ông Hùng kiện công ty FPT đã ăn cắp bản quyền tác giả của ông.

Ông Phạm Ngọc Hùng cho biết: Năm 2010 ông cùng nhà báo Phạm Thị Bích Thủy đã làm đề án “Gắn biển phụ đề cho các tuyến phố Hà Nội”. Bản đề án này đã được rất nhiều các giáo sư, nhà khoa học, nhà sử học tư vấn và giúp đỡ như GS Phan Huy Lê, GS-TSKH Trần Tiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan...

Ngày 2/7/2010 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4598/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề này. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, khi đó là Trưởng ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã giao cho UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu giải quyết để đề án được thực hiện.

Ngày 5/7/2010 Cục bản quyền thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 2018/2010/QTG cho ông Hùng và bà Thủy do Phó Cục trưởng Vũ Ngọc Hoan ký.

Tưởng rằng khi được cấp phép như vậy đề án sẽ được triển khai ngay trước thềm đại lễ 1.000 Thăng Long. Nhưng vì lý do đề án này không nằm trong đề cương chương trình chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng long - Hà Nội nên nó bị hoãn lại. Lý do nữa mà đề án này không được thực hiện bởi số biển và vị trí lắp đặt trên đường phố Hà Nội quá dày đặc. Tại khu vực di tích lịch sử, quảng trường, tượng đài là khu vực cấm quảng cáo, khu phố cổ là khu vực hạn chế quảng cáo, chỉ được quảng cáo ngắn ngày cho các sự kiện. Việc kết hợp quảng cáo tại các biển phụ đề sẽ gây phản cảm, không phù hợp với quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố.

Tên đường có gắn chú thích ở phố Lê Lai (Ảnh: VTC)

Do vậy mặc dù được cấp quyền tác giả nhưng đến nay đề án của ông Hùng và bà Thủy vẫn nằm trên giấy. Tuy nhiên, tự nhiên cuối tháng 1/2011, trên một số tuyến phố chính của Hà Nội như Lê Lai, Quang Trung, Phan Bội Châu, Lê Trạch, Trần Nguyên Hãn lại xuất hiện những biển ghi rõ lại lịch của tên đường trùng với đề án của ông Hùng và bà Thủy nghiên cứu và được cấp bản quyền. Và dự án này lại được ghi nhận là sáng tạo của Công ty CP FPT , công ty này đã đề xuất, phối hợp với Sở VH- TT- DL, Sở GTVT thực hiện chứ không phải của ông Hùng và bà Thủy.

Hiện, ông Hùng đã giao cho người đại diện là ông Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc trung tâm tư vấn pháp luật thay mặt ông khi đang đi công tác nước ngoài để khởi kiện Công ty cổ phần FPT về việc ăn cắp bản quyền.

Liên hệ với ông Lê Đình Lộc – đại diện nhóm dự án gắn chú thích lịch sử cho biển phố của Công ty cổ phần FPT, ông Lộc cho biết, không hề có chuyện ăn cắp bản quyền. Sáng kiến này không phải là mới, các nước trên thế giới làm rất nhiều và làm từ 20-30 năm nay. Ông Lộc có đọc báo và cho biết, bản quyền mà ông Hùng được cấp khác hẳn với dự án ông và các cộng sự đang làm. Một lần nữa, ông Lộc khẳng định FPT không hề ăn cắp bản quyền mà chỉ học hỏi những cái đó từ nước ngoài.

Tình Lê