Trường Tiểu học Hà Huy Tập có hơn 95% học sinh là con em người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ê Đê. Vì vậy, việc triển khai dạy học song hành tiếng mẹ đẻ là điều kiện để giúp các em học tốt tiếng Việt, đồng thời giúp giữ gìn nét văn hóa truyền thống của người Ê Đê.

Một tiết học tiếng Ê Đê tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập

Cô giáo H’ Gem HĐớk là người duy nhất dạy tiếng Ê Đê tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập từ năm 1996 tới nay. Cô cho biết khi mới bắt đầu giảng dạy đã gặp nhiều khó khăn vì học sinh hay lẫn lộn giữa chữ viết Ê Đê và chữ viết tiếng phổ thông.

Theo cô H’ Gem HĐớk, hầu hết các em khi phát âm tiếng phổ thông thường không đúng thanh điệu. Việc các em phát âm sai, dẫn tới viết sai cả tên của mình.

Để giải quyết vấn đề này cô H’ Gem HĐớk đã tự soạn bài giảng dựa trên tài liệu xin từ Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk. Cô tự mày mò nên thường mất rất nhiều thời gian mới giúp các em biết cách phân biệt khi phát âm.

Cô H’ Gem HĐớk đang dạy tiếng Ê Đê cho học sinh.

Cô H’ Gem HĐớk chia sẻ, bản thân là người dân tộc Ê Đê nên việc dạy học có thuận lợi hơn. Cô đã sử dụng chính ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp với học sinh. Từ đó, học sinh mạnh dạn, chủ động hơn trong giờ học.

"Các em phát âm chưa chuẩn thì tôi sử dụng song song cả 2 ngôn ngữ để giải thích, giúp các em hiểu. Vậy nên tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở môn học này tương đối cao. Học tiếng Ê Đê tốt cũng hỗ trợ cho các em học tập các môn học khác, đặc biệt là môn tiếng Việt”, cô H’ Gem HĐớk cho hay.

Em H’ O’Ran Byă (học sinh lớp 5B) cho biết, ở buôn Nui của em, người lớn chỉ biết nói chứ không biết viết. Sau khi được học, biết viết chữ Ê Đê, về nhà em còn hướng dẫn bố mẹ cùng học chữ viết.

Em và các bạn còn hỏi bố mẹ và già làng về những truyền thống văn hóa, về cồng chiêng… để tự mình tìm hiểu và bảo vệ những nét đẹp của dân tộc của mình.

Theo thầy Cao Xuân Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập, phần lớn học sinh của trường là người dân tộc thiểu số, các em thường nói tiếng mẹ đẻ nên khi đến trường rất khó tiếp cận tiếng phổ thông (tiếng Việt). Chính vì thế, từ hơn 15 năm qua, các thầy cô giáo đã tổ chức và duy trì việc dạy tiếng Ê Đê cho học sinh trên địa bàn xã Tâm Thắng.

Thầy Hoàng cũng cho biết, kể từ khi tổ chức dạy đến nay đã giúp hàng nghìn học sinh người dân tộc thiểu số học tốt chương trình học phổ thông của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, góp phần hình thành thói quen giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Ê Đê.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là các cơ quan quản lý sớm ban hành bộ sách giáo khoa tiếng Ê Đê chung. Có chính sách đào tạo, bố trí giáo viên, kinh phí tổ chức các hoạt động ngoại khóa… để giúp thầy cô và học sinh thực hiện tốt hơn chương trình giáo dục theo tinh thần đổi mới.

Thực tế, đến nay thầy cô vẫn tự lo liệu mọi thứ, xin sách từ Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk về phô tô lại để dạy. Giáo viên tự học, thiết kế chương trình dạy phù hợp với các em. May mắn, cô giáo là người địa phương, yêu nghề và khát khao bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”, thầy Hoàng tâm sự.

Ông Phạm Văn Hiệp, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cư Jút thông tin, ngoài Trường Tiểu học Hà Huy Tập còn có Trường Tiểu học Y Jút (xã Tâm Thắng) đang duy trì môn học tiếng Ê Đê cho học sinh dân tộc thiểu số. 

“Trung bình mỗi năm huyện Cư Jút có gần 500 em học sinh ở 2 trường tiểu học Hà Huy Tập và Y Jút được học tiếng Ê Đê. Việc tổ chức và duy trì môn học này không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc bản địa mà còn giúp các em học sinh hiểu và bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào mình”, ông Hiệp cho hay.