-Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chọn sách giáo khoa của nước ngoài để chỉnh sửa cho phù hợp rồi đưa vào giảng dạy, chứ không "tự biên tự diễn" viết sách.

Những mục tiêu mới về dạy và học ngoại ngữ trong trường học từ nay đến năm 2020 đã được xác lập theo hướng thực tế và có tính khả thi hơn. Đó là những nội dung cơ bản được đưa ra tại hội thảo trực tuyến diễn ra sáng nay, ngày 13/9

9 năm tới sẽ phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Phó Trưởng ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết, từ nay đến năm 2020, ngành giáo dục sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020 - 2021, sẽ có 100% học sinh lớp 3 tiểu học, 70% học sinh lớp 6 và 60% học sinh lớp 10 được học chương trình mới (hệ 10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp.

{keywords}
Học sinh sẽ được học tiếng Anh theo chương trình 10 năm mới. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Đối với giáo dục nghề nghiệp, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, có khoảng 60% học sinh trung cấp, 100% sinh viên trường cao đẳng và tới năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm. Ở bậc đại học không chuyên ngữ, đến năm 2020 sẽ có khoảng 70% sinh viên và đến năm 205 tất cả sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3 theo khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam).

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các mục tiêu và phương thức thực hiện sẽ cần tính thực tế hơ so với trước đó. Cũng không nên xem đề án 2020 sẽ giải quyết được mọi thứ, mà chỉ là cú hích để toàn dân có động lực học ngoại ngữ tích cực hơn. Nguồn ngân sách Nhà nước sẽ đóng ở những nhiệm vụ trọng tâm, phần còn lại cần huy động từ xã hội.

Bồi dưỡng giáo viên thực chất

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, củng cố lại "chuẩn" của giáo viên trong nước và mở rộng mời gọi nguồn giáo viên bản ngữ sẽ là những việc trọng tâm để có đội ngũ giảng dạy mạnh. 

Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cấp học; giao cho trung tâm đào tạo của các trường đại học ngoại ngữ. Cách nâng chất lượng giáo viên này sẽ khác với kiểu "tập huấn" truyền thống trước đây, với việc chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể là các bài giảng online.


"Ví dụ, một chương trình đào tạo đạt chuẩn có khoảng 300 giờ học. Giáo viên chỉ cần 50 giờ làm việc trực tiếp, 250 giờ là làm việc online" - Bộ trưởng Nhạ ví dụ.

Trong khi chưa sửa được Nghị định 73 về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD-ĐT đề xuất với Chính phủ điều chỉnh điều kiện thu hút giáo viên bản ngữ theo hướng giảm yêu cầu. Chẳng hạn, trước đây đòi hỏi giảng viên dạy trung cấp và các trung tâm phải có bằng đại học, thì bây giờ chỉ cần bằng cao đẳng.

Trong kế hoạch triển khai, Bộ GD-ĐT cũng lưu ý đến tạo môi trường cho người học bằng các giải pháp như: tổ chức thi tiếng Anh trực tuyến, thi học sinh giỏi tiếng Anh, sinh hoạt trọng các câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức trại hè, giao lưu tiếng Anh quốc tế. 

Học liệu: Có thể chọn sách giáo khoa nước ngoài

Một giải pháp quan trọng khác là củng cố bài bản hệ thống học liệu.

Bộ trưởng Giáo dục cho biết, tránh tình trạng "tự biên tự diễn" không cần thiết, Bộ GD-ĐT sẽ lựa chọn bộ sách giáo khoa tiếng Anh chất lượng của một nước tiên tiến rồi chỉnh sửa cho phù hợp, thống nhất đưa vào chương trình giảng dạy 10 năm. 

Đối với các trường ĐH, CĐ thì khuyến khích dùng trực tiếp giáo trình các môn khoa học, kỹ thuật, công nghệ của nước ngoài. 

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường học liệu hỗ trợ như các video clip để hỗ trợ việc học mọi lúc, mọi nơi.

Thành lập hệ thống trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia

"Thực tế là chúng ta có khảo thí nhưng nội dung, chương trình lại không thống nhất giữa các cơ sở và vênh với chương trình quốc tế" - ông Nhạ nhìn nhận.

Về vấn đề này, Bộ sẽ chia làm 2 khu vực: Xây dựng "chuẩn quốc gia" theo khung đánh giá năng lực 6 bậc, tham chiếu tiêu chuẩn châu Âu; áp dụng chuẩn quốc tế bằng cách cho mở trực tiếp các chi nhánh của tổ chức khảo thí Mỹ, sử dụng các bài thi TOELF, IELTS. Hệ thống trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia sẽ sớm được hình thành, đồng thời có cả mạng lưới cơ sở tổ chức thi, kiểm tra đánh giá trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định, ban hành định dạng đề thi, xây dựng và phát triển các định dạng đề, ngân hàng đề.

Dạy học thí điểm tiếng Nhật, tiếng Hàn

Xác định tiếng Anh có vai trò quan trọng nhất, Ban quản lý đề án Ngoại ngữ 2020 cũng không bỏ qua các ngoại ngữ khác. Đáng lưu ý, từ năm  học này, việc dạy tiếng Nhật đã được thí điểm từ lớp 3; việc học tiếng Hàn như một ngoại ngữ 2 từ lớp 6 và lớp 10 đã bắt đầu ở Hà Nội và TP.HCM. Chương trình song ngữ tiếng Pháp từ tiểu học được điều chỉnh, đổi mới theo hướng tinh giản và hiện đại hoá; chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm được xây dựng theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN. Đối với tiếng Đức, Bộ đang chuẩn bị dạy thí điểm như ngoại ngữ 2.

Ý KIẾN

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chúng ta cần tạo được xu thế toàn xã hội học tiếng Anh tự thân, có như thế tinh thần xã hội mới được đẩy lên. Tiếng Anh và công nghệ thông tin sẽ giúp thế hệ trẻ hòa nhập với thế giới rất tốt. Nếu dạy ở phổ thông tốt, thì khi lên đại học không mất công dạy tiếng Anh cơ sở như hiện nay, thậm chí các em sẽ học được những môn khoa học bằng tiếng Anh.

Ông Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội: Không nên chi tiền để kêu gọi 100% giáo viên

Cần tập trung vào 3 yếu tố “chân kiềng” là người dạy, người học và điều kiện để hỗ trợ cho người dạy và người học tương tác với nhau. Điều này nhằm đến kết quả cuối cùng là năng lực của người học tiếng Anh sẽ được tăng lên.

Việc đầu tư người dạy là hoàn toàn phù hợp bởi một người dạy tốt có thể sẽ kéo theo nhiều người học và nhiều thế hệ giỏi khác.

Tuy nhiên, không phải giáo viên nào ở bậc dạy học hay độ tuổi cũng như kinh nghiệm của mình đều nhiệt tình tham gia vào họa động đổi mới. Có 3 nhóm: Những người kịch liệt phản ứng đổi mới, những người thích đổi mới nhưng không biết làm như thế nào và thứ ba là những người nhiệt tình đổi mới.

Sắp tới khi bồi dưỡng giáo viên, nên chia các đối tượng đi học và không nhất thiết phải chi tiền để kêu gọi 100% các đối tượng đi học về đổi mới mà hãy chọn lựa. Tôi cho rằng 2 đối tượng cần tập trung hướng đến là những người vô cùng thiết tha với đổi mới (nếu xét ở góc độ phát triển học thì họ là những người có từ 5-10 năm thâm niên) và nhóm thứ hai là thích đổi mới nhưng cần hướng dẫn cách thức cụ thể.

Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng: Dạy đến đâu, được đến đấy!

Chúng ta đang thực hiện lộ trình viết bộ SGK mới, vì vậy tôi đề xuất việc viết sách và chương trình của môn tiếng Anh phải đảm bảo một sự liên thông và phải đảm bảo được các chuẩn kiến thức đặt ra.

Đề án đặt ra 4 kỹ năng là nghe- nói- đọc- viết, nhưng hiện này trong các trường chủ yếu là dạy đọc và viết, nghe và nói ít. Cần đưa ra một giáo trình SGK phổ thông và lộ trình đạt được sau 12 năm để không lãng phí. Cần đề ra sau lớp 1 phải nghe, nói, viết được cái gì và sau 12 năm được cái gì. Để sau phổ thông các em học sinh có những kiến thức cơ bản, nghe được, nói được và viết được những câu cơ bản. Vào ĐH, CĐ thì đi sâu vào ngôn ngữ chuyên ngành.

Để làm được điều đó cần xác định lộ trình và cách làm. Tôi nghĩ trong 4 kỹ năng thì nghe và nói phải đặt trước, viết đọc đi sau, giống như trẻ con ở ta chưa đến lớp đã có thể nghe và nói được. Phải xác định dạy đến đâu, được đến đấy

  • Hạ Anh - Thanh Hùng