- Đạo diễn của “Mùi đu đủ xanh” đưa lời kêu gọi duyên dáng tới đám đông bên dưới để bắt đầu chia sẻ suy nghĩ của mình về hai cách làm phim.

Chính xác thì phần nói chuyện thú vị này đến vào khoảng giữa của buổi chiếu phim diễn ra đầy trục trặc trong…vui vẻ, vào chiều tối ngày 9/5 tại rạp Megastar Paragon, TP.HCM. Tua lại khoảng một tiếng đồng hồ trước đó, lúc sảnh chờ còn thưa thớt người, có một người đàn ông nhìn chạc tứ tuần trong chiếc áo sơ mi và quần jean thời trang, ngồi tập trung ký vào những tấm postcard in hình ảnh bộ phim nổi tiếng “Rừng Na Uy”.

{keywords}
Đạo diễn Trần Anh Hùng và Trần Dũng Thanh Huy tại buổi giao lưu, ảnh: Văn Bảy.

 Ít ai ngờ người đàn ông cao gầy, luôn toát ra phong thái gần gũi, dễ chịu cho người xung quanh ấy, lại là người tạo được điều kỳ diệu cho điện ảnh Việt: làm ra những bộ phim nói tiếng Việt khiến những liên hoan, giải thưởng danh giá nhất thế giới phải công nhận.

Sự kiện “Voyage À Cannes” đưa các nghệ sĩ Việt qua Pháp dự LHP Cannes 2013 là nguyên cớ cho chuyến trở lại VN của đạo diễn Trần Anh Hùng. Những người tổ chức không quên “tranh thủ” ông bằng một buổi nói chuyện chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, cũng như về bộ phim “Rừng Na Uy”. Tiếc rằng bản phim bị lỗi phần mã hóa phụ đề khiến nó không thể được chiếu, nhưng bù lại, nhiều người cảm thấy vui vẻ khi bỗng dưng buổi nói chuyện với đạo diễn được….dài hơn.

Dù đôi lúc phải dừng lại để tìm kiếm từ tiếng Việt thích hợp và thỉnh thoảng chiếc micro lại mất tiếng, nhưng bằng lối nói chuyện tự nhiên, gần gũi và khiêm tốn, ông vẫn lôi cuốn được gần 200 người nghe vào thế giới đằng sau chiếc camera lạ lùng và hấp dẫn không kém những gì mà nó phản chiếu thành kết quả trên màn ảnh.

Câu chuyện bắt đầu bằng lời căn dặn ngắn gọn mà ông dành cho đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy, người sẽ mang phim ngắn “16:30” đi Cannes sắp tới, rằng: “Đó là nơi rất căng thẳng, nhưng vì sự căng thẳng đó mà nên đi, bởi tất cả những gì người ta làm trong thế giới điện ảnh đều diễn ra ở đó”.

{keywords}
“Rừng Na Uy”, bộ phim nhận được nhiều câu hỏi thắc mắc dành cho Trần Anh Hùng tại buổi giao lưu

Cuộc trò chuyện bắt đầu trôi đi trong cả niềm háo hức muốn được hỏi của người nghe, lẫn sự hào hứng muốn chia sẻ của người nói. Cá tính điện ảnh của nhà làm phim dần theo đó mà hiện lên chân xác hơn, phù hợp với cảm nhận mà người ta có được về phim của ông.

Về lời thoại, ông nói ông muốn nó có tính giai điệu trong đó, tạo được chất duyên dáng cho nhân vật rất mạnh, dù có thể nó hơi dài hơn một chút so với cách mà người ta đang giao tiếp với nhau hàng ngày. “Dù sao, tôi cũng không thích những sự thật trên phim “nhái” hiện thực bên ngoài”, ông khẳng định.

Kể lại kinh nghiệm biến “Rừng Na Uy”, chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nhà văn Murakami, thành bộ phim của riêng mình, đạo diễn Trần Anh Hùng nói ông đã phải “bỏ mình” vào trong câu chuyện để có thể hiểu được từng chi tiết tinh tế trong cảm xúc, sự tế nhị của hoàn cảnh. Những cảm giác mà ông có được khi khám phá câu chuyện dần được hiện thực hóa trong suốt quá trình viết kịch bản.

“Khi Murakami đọc kịch bản lần đầu tiên, ông cho suy nghĩ của ông vào rất nhiều. Có điều rất hay là khi đọc những ý kiến này, tôi thấy ông thêm vào những chi tiết mới không có trong tác phẩm, ông đang tìm hiểu lại câu chuyện theo một cách khác”, đạo diễn Trần Anh Hùng kể.

Với bất cứ bộ phim nào, theo đạo diễn, điều khó nhất là tìm ra được ngôn ngữ điện ảnh vì tất cả không thể đều được nói ra như thể con nít. Ông nói: “Khi bạn tìm được ngôn ngữ chính xác, khán giả không thể nào tránh được những cảm xúc mà bạn muốn khơi lên trong họ. Đó là quy luật”.

“The New World”, bộ phim gây “chấn động” đối với đạo diễn Trần Anh Hùng.
{keywords}

 

Buổi trò chuyện bỗng kích thích hơn khi ai đó hỏi về những bậc thầy đã gây cảm hứng, vị đạo diễn từng đoạt Camera vàng ở Cannes 1993 gây chú ý một cách duyên dáng: “Các bạn trẻ ơi, nghe kỹ nhé. Có hai cách để làm phim, một là “The New World” và hai là “The Old World”.

Khán phòng ồ lên bất ngờ khi ông dùng cách chơi chữ thú vị để mô tả sự tác động mạnh mẽ của bộ phim “The New World” (Tân thế giới) của đạo diễn Terrence Malick lên quan niệm của ông về làm phim.

Bất ngờ hơn nữa khi so với “Cây đời” hay “Lằn ranh đỏ mong manh”, bộ phim sản xuất năm 2005 với góp mặt của hai ngôi sao Collin Farrell và Christian Bale này vốn ít được chú ý trong sự nghiệp của vị đạo diễn người Mỹ kín tiếng.

Theo Trần Anh Hùng, với tuyệt tác này, Malick đã làm được cuộc cách mạng trong điện ảnh mà có thể ngay bản thân ông cũng không ngờ tới. Dù lối làm việc theo ngẫu hứng đã có vài người làm, Malick vẫn khác biệt với đồng nghiệp. Trong khi họ coi việc làm phim là quá trình đi tìm cảnh, thì ông làm điều ngược lại.

Ông vẫn bước ra trường quay với trong tay là tập kịch bản lên tới 6 trang cho cảnh quay trong ngày (Trần Anh Hùng thường chỉ có 3 trang cho một cảnh). Ông cũng thử cái này cái kia, nhưng điều ông làm là cố gắng xóa đi cảnh đó, che mờ câu chuyện. Rồi ông tìm các khả năng về âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong cảnh đó để chúng cộng hưởng lại thành một lực có sức "rung lắc" (vibration) căn nhà nội tâm vẫn hằng đóng kín của người xem.

“Kể từ lúc tôi bị rung lắc như vậy, tôi bắt đầu khóc, cho tới cuối phim”, Trần Anh Hùng nói.

Minh Chánh