"Tôi muốn trở thành bạn của con nên cách dạy của tôi cũng có nhiều ý kiến trái chiều, tôi hay để các cháu phát triển tự nhiên", đạo diễn Trần Lực chia sẻ.
Trần Lực hẹn tôi một buổi chiều mùa hè để chuyện phiếm vui vẻ thay vì một cuộc phỏng vấn với nhiều câu hỏi mà anh không muốn trả lời. Chỗ ngồi của chúng tôi ngay ven Hồ Tây, tại chính văn phòng công ty nơi gia đình anh từng sống cách đây vài năm. Trong khung cảnh yên bình của một ngày nắng đẹp, vị đạo diễn bắt đầu trải lòng về cuộc sống gia đình.
Không muốn con áp lực khi còn bé
Sau khi “Bố Ơi Mình Đi Đâu Thế” kết thúc, cuộc sống của gia đình anh có gì xáo trộn không?
Ban đầu, chúng tôi có đôi chút lo lắng vì mọi người đều được chú ý nhiều hơn. Trong khi đó, tôi muốn giữ sự ngây thơ trong sáng đúng lứa tuổi của bọn trẻ nên rất sợ chúng mắc bệnh ngôi sao. Rất may là sau khi chương trình kết thúc, mọi thứ đều không bị xáo trộn gì. Bờm rất thoải mái khi gặp gỡ khán giả bên ngoài nhưng khi về nhà thì vẫn là cậu con trai ngoan ngoãn.
Đạo diễn Trần Lực cùng 3 con |
Tham gia các chương trình truyền hình ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập của cháu. Tại sao anh vẫn đồng ý cho Bờm tham gia “Bố ơi mình đi đâu thế”?
Tôi muốn tạo điều kiện cho cháu được va chạm, mở mang kiến thức và có những cái nhìn cởi mở hơn. Lúc Bờm tham gia chương trình là cháu chuẩn bị vào lớp 1. Có thể khi chuyển cấp cháu sẽ bỡ ngỡ nên tôi muốn thông qua chương trình cho con có thêm trải nghiệm. Đôi khi mình cũng bỏ công việc để đi với con nhưng bản thân tôi thấy đáng giá nên không có gì phải hối tiếc.
Với sức nóng của “Bố ơi mình đi đâu thế”, hẳn cha con anh có nhiều cơ hội hơn sau khi chương trình lên sóng?
Có một số nhãn hàng mời hai bố con đóng quảng cáo nhưng năm vừa rồi chúng tôi mới chỉ tham gia một vài hợp đồng để thay đổi không khí. Tôi vẫn giữ quan điểm không để con bị áp lực khi còn bé. Trẻ con dễ thay đổi về tâm lý lắm. Bờm tuy lớp 3 nhưng vẫn còn rất hồn nhiên. Cháu dễ xúc động, đầu óc bay bổng kiểu nghệ sĩ, để trưởng thành quá sớm là điều không nên.
Nghe nói anh đang chuẩn bị cho việc ra mắt sách, "Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách" có điều gì thú vị?Cuốn sách này được tôi viết với mục đích ghi lại tuổi thơ, những chuyện vui buồn của ba đứa trẻ nhà mình. Tôi viết cho gia đình, cho các cháu để lớn lên sau này có thể đọc lại. Ban đầu, tôi còn phân vân nhưng sau đó thấy cũng thú vị nên quyết định viết. Người đọc có thể thấy tôi viết rất đơn giản, quan trọng là mang tinh thần tuổi thơ, những nét hồn nhiên đẹp đẽ nhất.
Trong cuốn sách anh cảm thấy tâm đắc về truyện nào?
Truyện nào tôi cũng thấy tâm đắc, mỗi ngày mới là 1 sự khám phá mới của bọn trẻ. Sự tò mò, nghịch ngợm mỗi lúc một khác. Mỗi truyện mang màu sắc riêng. Khi ghi chép tôi cố gắng hòa mình vào không gian của trẻ nhỏ.
Bìa sách Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách của đạo diễn Trần Lực |
Gia đình anh có ý kiến gì về cuốn sách này?
Bà xã tôi ủng hộ, coi đó là chuyện bình thường, còn các cháu chưa nói gì. Ai cũng háo hức. Tôi nghĩ chuyện gia đình thực ra nếu không mang tính chất riêng tư thì không sao, vẫn là chuyện của bọn trẻ, chơi học, suy nghĩ sẽ được nhiều độc giả đón nhận.
Dù hy vọng sẽ được đón nhận nhưng anh có sợ sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều khi cuốn sách được ra mắt?
Tôi chấp nhận. Với tôi, những cái đó là điều quá bình thường. Đó là lý do giúp tôi theo được nghề này. Đặc thù nghề của tôi vốn đã nhiều người biết, dính đến showbiz, được quan tâm. Mình sống lạc quan, không làm gì sai không phải sợ. Mỗi người có quan điểm riêng về lối sống, về nghệ thuật. Mình đồng ý nó xuất hiện còn tiếp nhận thế nào là việc của mình. Cuốn sách là của con tôi. Thời gian có thể khiến mọi thứ lãng quên nên tôi ghi chép lại. Sách có cái hay là những kỷ niệm đẹp của gia đình nên tôi không sợ.
“Nhiều người bảo con tôi mất dạy”Trong cuốn sách anh có gửi gắm quan điểm nuôi con của mình tới người hâm mộ?
Tôi không lồng ghép hay gửi gắm quan điển nào cả. Ngoài đời tôi cũng không dám đưa cho ai lời khuyên dạy con. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Không có sự chuẩn mực nào cả. Với lại tôi muốn trở thành bạn của con, tôi không bắt ép ai phải giống. Cách dạy của tôi cũng có nhiều ý kiến trái chiều, tôi hay để các cháu phát triển tự nhiên.
Nhiều người không hiểu lại bảo con tôi mất dạy, bảo vợ chồng tôi không biết dạy con. Khi người khác nhận xét như vậy tôi cũng nhẹ nhàng nói chuyện và tiếp thu. Trẻ con trước lớp 1 bé lắm, cứ để chúng tự nhiên. Nếu bước vào môi trường chính quy lại khác, lúc đấy mới cần nghiêm túc dạy. Cái tuổi đấy trắng tinh, nên giữ, đã chơi là cho chơi luôn rồi học hành cho thoải mái. Nhưng quan điểm của vợ tôi thì lại cần phải uốn nắn ngay từ nhỏ nên đôi khi giữa 2 vợ chồng xảy ra xích mích về cách dạy con.
Mâu thuẫn giữa anh và vợ có khi nào khiến gia đình trở nên căng thẳng?Có nhiều lúc bị đẩy lên cao trào chứ nhưng cũng đáng yêu lắm. Mẹ cháu là người nghiêm khắc đối lập với tôi nhưng cả 2 vợ chồng đều có sự tôn trọng. Đôi bên may mắn là sau những căng thẳng chúng tôi lại tìm cách dung hòa để hướng về những điều tốt nhất dành cho con.
Trong gia đình, anh và vợ ai là người dành thời gian cho con nhiều hơn, ai hiểu các con hơn?
Có lẽ là mẹ các cháu, nhưng cứ có cơ hội được gần con là tôi lại tận dụng đưa đón con đi học, gọi con dậy, chơi cùng con… Thực ra, cả hai vợ chồng tôi đều cùng dành thời gian cho con nhưng quan trọng là biết tận dụng, quan tâm chăm sóc các con. Nhiều lúc, bận sửa kịch bản con gọi mấy câu tôi cũng có thể bỏ đi ngay được, rồi lâu thành thói quen nhưng những việc quan trong tôi vẫn phải hoàn thành trước.
Gia đình đông đủ ngập tràn tiếng cười của đạo diễn Trần Lực |
"Với con, tôi vừa là cha, vừa là bạn"
Anh là mẫu phụ huynh đặt nặng vấn đề thành tích học tập hay đề cao khả năng tiếp thu kiến thức của con?
Vì các cháu còn bé nên cần sự mềm mỏng. Học là điều bắt buộc phải kết hợp hài hòa nhưng cũng không được dễ dãi. Cha mẹ nào cũng có kỳ vọng nhưng đừng biến nó thành gánh nặng cho con. Việc học rất quan trọng nhưng đừng tạo áp lực quá lớn. Để con hiểu việc học là ham thích trong học tập mới là điều quan trọng còn ganh đua, cạnh tranh điểm số là việc của riêng của con. Khi đứa trẻ sống trong môi trường học tập có bạn bè ganh đua sẽ tự có sự nỗ lực phấn đấu cải thiện bản thân để vươn lên.
Dù không kỳ vọng quá lớn nhưng sẽ có lúc con không đạt được kết quả như ý muốn. Khi các con đối mặt với thất bại, anh có cách động viên như thế nào?
Trước tiên, tôi phải tìm nguyên nhân, lý do để chỉ cho con. Ví dụ như Bờm hay mất tập trung thì phải tìm được cái sai ở con để thay đổi con dần dần. Với con tôi vừa là một người cha một người bạn để có thể hiểu con và chỉ cho con cách hoàn thiện bản thân.
Vậy còn những xung đột tính cách giữa các bé trong nhà, anh và vợ giải quyết như thế nào?Tôi thấy lũ trẻ nhà mình lạ lắm, trông thế thôi nhưng một thành viên có vấn đề là hai đứa còn lại có sự thay đổi ngay. Việc chí chóe xung đột hàng ngày là khó tránh, nhưng khi Bông ốm thì Bờm buồn, nhớ chị vì không ai đi học cùng. Bách thì rít lên gọi chị đâu. Chiều chị về thì hai đứa tưng bừng, rú lên vui lắm. Làm cha tôi nhìn cũng ứa nước mắt vì tình cảm thiêng liêng, thật quá, không gì diễn tả nổi. Thứ tình cảm không thể lí giải nổi. Các anh chị bám em lắm, nhớ em. Chỉ tích tắc có những cảm xúc khác lạ, mặt sáng tưng bừng.
Dường như anh rất ít khi nhắc đến cậu con cả? Anh có muốn cháu theo nghiệp của mình?
Tôi để tự con quyết định. Không áp đặt vào nghề, tôi theo nghề là theo truyền thống. Mẹ cũng muốn theo ngành nghề khác dễ xin việc, làm nghệ sĩ nhiều vấn đề lắm. Bạn ra trường rồi, lớn rồi tự quyết định. Trước là bạn rồi thì giờ là bạn thân hơn nữa. Quan trọng là con cảm thấy vui.
Mối quan hệ của anh và cậu cả hẳn có sự khác biệt?Hồi tôi và mẹ cháu chia tay tôi đón cháu về ở cùng với ông bà. Tôi đi đâu thì con theo đấy, nhiều lúc giao thừa có hai bố con ở với ông bà cũng vọt đi chơi. Thời gian ở bên bố nhiều hơn nên cậu cả cũng thiếu đi sự quan tâm của mẹ, nhưng giờ nhìn lại thời gian ấy mình quá bận, cũng chưa ý thức lại với con. Đến một cái tuổi mình bình tĩnh, đủ trải nghiệm để thay đổi. Mình hòa đồng vào con, đang ở thế giới của con.
Anh làm gì để bù đắp cho con?
Từ bé thiếu sự chăm sóc của mẹ, thiếu gì thì bù nấy. Con nào cũng như nhau thôi. Vì cậu cả như vậy nên tôi với con là bạn bè vui lắm, người ngoài nhìn như dở hơi. Ra đường bàn tán nọ kia như thanh niên. Chuyện đó tôi nghĩ là hoàn cảnh không ai muốn, nên tốt nhất không nhấn sâu, cuộc sống không hoàn hảo nên mình chấp nhận. Cậu con trai lớn cũng đã hiểu được phần nào chuyện của bố mẹ và cũng cảm thấy bình thường. Tôi vui khi con lớn lên có nhiều thay đổi trong suy nghĩ và tích cực hơn trong cuộc sống.
Vâng, xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện!
Theo Trí Thức Trẻ