Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hướng tới phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ đạt được ở mức cao hơn. Điều này cũng sẽ kéo theo một khối lượng lớn tài nguyên rừng được khai thác phục vụ công nghiệp chế biến, sản xuất và tiêu dùng. Do đó sẽ đặt ra những thách thức mới về các vấn đề trồng và bảo vệ rừng.

Chính vì vậy, thực hiện các dự án về trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng vườn quốc gia, khu rừng cấm, trồng cây xanh, giữ gìn đa dạng sinh học. Phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn các nguồn gen di truyền quý hiếm của rừng nước ta.

{keywords}
Trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế FSC

Tháng 11/2020, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đề xuất sáng kiến trồng mới 01 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021-2025.

Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg. Theo đó, đến hết năm 2025, cả nước trồng 1 tỷ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiệm vụ của Đề án là trồng thành công một tỷ cây xanh phù hợp với điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương, trong đó, trồng  690 triệu cây cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn), bình quân trồng 138 triệu cây/năm.

Chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương/vùng/miền.

Tại khu vực đô thị, cây xanh được trồng trên vỉa hè đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà và các công trình công cộng khác.

Tại khu vực nông thôn, cây xanh được trồng trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái, sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác.

Cũng theo Đề án, trồng cây xanh trong rừng tập trung. Cụ thể, trồng 180 nghìn ha rừng trồng tập trung, tương đương khoảng 310 triệu cây (bình quân trồng 36 nghìn ha rừng/năm, tương đương 62 triệu cây/năm), gồm: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 30 nghìn ha, tương đương 70 triệu cây (bình quân 6 nghìn ha/năm, tương đương 14 triệu cây/năm); trồng mới rừng sản xuất: 150 nghìn ha, tương đương 240 triệu cây (bình quân 30 nghìn ha/năm, tương đương 48 triệu cây/năm).

Đối với rừng đặc dụng, trồng các loài cây bản địa có phân bố tự nhiên trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó; đối với rừng phòng hộ, trồng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; đối với rừng sản xuất, trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày.

Về địa điểm trồng, với đất rừng phòng hộ, diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, trong đó đặc biệt ưu tiên trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng phòng hộ vùng ven biển.

Với đất rừng đặc dụng, diện tích đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan; diện tích đất được quy hoạch trồng mới rừng sản xuất.

Về kế hoạch thực hiện, năm 2021 sẽ trồng khoảng 182 triệu cây, trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020.

Từ năm 2022 - 2025, trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng cụ thể kế hoạch 5 năm và hằng năm.

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đề án 1 tỷ cây xanh chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế. Đề án sẽ nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, phát triển cây xanh trong toàn xã hội, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia. Phát huy sức mạnh từ nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh.

Trần Chung