Một trong những Khu kinh tế trọng điểm của cả nước 

Tây Ninh có đường biên giới trên bộ dài thứ hai so các địa phương tiếp giáp với nước bạn Campuchia, là hướng kết nối quan trọng của khu vực phía Nam với Campuchia, tiểu vùng sông Mekong mở rộng và các nước ASEAN, đặt biệt là hướng kết nối thuận tiện nhất giữa thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh thông qua trục đường Xuyên Á và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Với vị trí chiến lược như vậy, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không chỉ có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh mà còn là cửa ngõ kết nối giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, đồng thời kết nối du lịch với Campuchia và tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).

Nhằm khai thác lợi thế địa kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, phát triển, từ năm 1998, Chính phủ đã thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với quy mô trên 21.000 ha.

Theo Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2020 có phạm vi quy hoạch rộng 21.284 ha, dân số 100 nghìn người. Ðây là khu vực cửa khẩu quốc tế gồm cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận phục vụ các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa và các quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với Cam-pu-chia và một số nước trong khối ASEAN.

Hiện nay và trong thời gian tới, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tiếp tục được xác định là một trong những Khu kinh tế trọng điểm của cả nước, là một cực tăng trưởng kinh tế và vùng động lực phát triển mới ở phía nam của đất nước.

Trên tinh thần của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm được nêu trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xác định “Phát triển chuỗi công nghiệp-đô thị Mộc Bài-TP Hồ Chí Minh-Cảng Cái Mép-Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á”, mô hình được đề xuất cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong thời gian tới là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là hình thành một Trung tâm công nghiệp - đô thị - thương mại dịch vụ và logistic.

Theo đó, phát triển khu kinh tế theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp kết nối và đổi mới sáng tạo. Xây dựng khu đô thị sinh thái, đáng sống, thông minh, vừa có đẳng cấp quốc tế, hội nhập, vừa mang bản sắc Việt Nam. Hình thành trung tâm dịch vụ cửa khẩu thông minh, hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ và logistic, nơi trung chuyển giao thương quốc tế của Tiểu vùng Mekong, kết hợp với phát triển các lĩnh vực tài chính, du lịch, nông-lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Tuy nhiên, như thực tiễn đã được cuộc sống đúc kết thành bài học: "lộ thông, tài thông".

Hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ít, có quy mô nhỏ, nhất là kết nối với Thành phố Hồ Chi Minh gần như chỉ có tuyến đường Quốc lộ 22, từ ngã tư An Sương đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, dài 59km, với quy mô đường cấp II, mặt đường rộng từ 16m đến 18m, hiện đã xuống cấp và quá tải.

Đây chính là điểm “nghẽn” hạn chế sự phát triển của tỉnh thời gian qua. 

Bởi vậy, để rộng cửa cho khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển thì việc cần làm là sớm hoàn thành tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, bởi đây là dự án giao thông quan trọng, huyết mạch mang tính chiến lược về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của vùng và quốc gia. Hiện Tây Ninh đang chủ động, tích cực cùng với TP HCM hoàn tất thủ tục pháp lý đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Bên cạnh đó, để tăng cường tính kết nối chặt chẽ, đồng bộ về hạ tầng, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cũng đã kiến nghị nghiên cứu hình thành đường sắt tốc độ cao Mộc Bài- TP HCM; nghiên cứu sớm xúc tiến quy hoạch sân bay Tây Ninh trở thành cảng hàng không, sân bay dân dụng vệ tinh, giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng như kết nối giữa khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen với các điểm du lịch trong nước và quốc tế...

 

Kim Duyên và nhóm PV, BTV