kimngoc.jpg
Một góc thành phố Vĩnh Yên

Theo thống kê của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc từ năm 1945 đến năm 1963 tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được 8 lần đón Bác về thăm, động viên và chỉ đạo công việc. 

1. Ngày 25-8-1945, trên đường từ Chiến khu Giải phóng Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ về thăm cán bộ, đảng viên huyện Đa Phúc. Bác đã chỉ dẫn nhiều vấn đề quan trọng đối với cán bộ lãnh đạo huyện khi nhân dân đã nắm được chính quyền. (Thời kỳ này Đa Phúc thuộc tỉnh Phúc Yên).

2. Ngày 12-2-1956 (tức ngày mồng 1 Tết năm Bính Thân), Bác Hồ về thăm và chúc Tết nhân dân thôn Yên Định, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên. Đây là nơi có nhiều thành tích trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

3. Ngày 21-1-1958, Bác Hồ về thăm động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Đông Anh chống hạn cứu lúa. (Thời kỷ này huyện Đông Anh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

4. Ngày 30-3-1958, Bác Hồ về thăm cán bộ và xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, xã Cộng Hoà, huyện Tam Dương (nay là phường Đồng Tâm, thị xã Vĩnh Yên). Hợp tác xã Lai Sơn tuy mới xây dựng nhưng việc quản lý và điều hành sản xuất tốt nên đã phát huy được tác dụng của cách làm ăn tạp thể. Bác đã tặng Huy hiệu cho hai cán bộ địa phương.

5. Ngày 24-12-1958, Bác Hồ về thăm thị xã Phúc Yên, thăm các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc, thăm một đơn vị quân đội đóng tại Thành Trắng, thăm lớp tập huấn bồi dưỡng chủ nhiệm và kế toán hợp tác xã nông nghiệp, tại đây Bác đã nói chuyện thân mật với cán bộ, đảng viên.

6. Ngày 25-1-1961, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Đây là hợp tác xã có nhiều thành tích trong phong trào trồng cây, trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh và toàn miền Bắc.

7. Ngày 2-3-1963, Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đã có thành tích xuất sắc chống hạn, bảo đảm thắng lợi vụ sản xuất đông xuân năm 1963.

8. Ngày 16-7-1963, Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ tinh Vĩnh Phúc tại thị xã Vĩnh Yên (đây là lần cuối cùng Bác về Vĩnh Phúc).

Ngoài những lần được Bác trực tiếp về thăm và ân cần chỉ bảo, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc còn được Người nhiều lần gửi thư khen ngợi hoặc biểu dương trên báo chí mỗi khi tỉnh đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu như: Thư gửi các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể đổng bào tỉnh Phúc Yên có thành tích tham gia kháng chiến kiến quốc, ngày 16 - 7 -1947; Thư khen ngợi HTX thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường đạt năng suất lúa cao, ngày 2 - 3 - 1966...

Biên niên sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc mãi mãi in đậm dấu ấn/những sự kiện mang ý nghĩa trọng đại - Những lần Bác về thăm. Những tình cảm yêu thương, những sự quan tâm sâu sắc của Người dành cho, đó là những tài sản, những giá trị tinh thần vô giá mà Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Phúc trân trọng giữ gìn để sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đặc biệt, lần Bác về thăm ngày 2 - 3 - 1963 đã để lại dấu ấn không phai mờ đối với các thế hệ cán bộ đảng viên, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Lần thăm này, tại khu Đồi Cao thị xã Vĩnh Yên (nay là địa điểm trụ sở Bảo tàng tỉnh), trong cuộc mít tinh trọng thể với sự tham gia của gần 2 vạn đồng bào, Bác đã căn dặn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong nhưng tính giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”, và “Mỗi đảng viên đều phải gương mẫu, người nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên. Tất cả đảng viên trong tỉnh đều gương mẫu, làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng nước nhà".

60 năm đã trôi qua, kể từ tháng 7/1963, với quan điểm tất cả mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội thiết thực, hiệu quả.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, kinh tế xã hội ngày càng phát triển trên quan điểm: Mọi người dân Vĩnh Phúc được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển.

Trần Chung và nhóm PV, BTV