Thời giờ làm việc, giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu, đình công là những vấn đề chính được góp ý tại hội nghị.  

Làm thêm 12 giờ/tuần hay 400 giờ/năm?

Mang theo nhiều tâm tư, đại diện cho hơn 20.000 lao động của công ty, ông Võ Văn Hùng, Công đoàn cơ sở Công ty Hansae Việt Nam, đồng tình với việc làm thêm giờ, bởi một công nhân hiện nay có thu nhập chừng 5 - 6 triệu đồng/tháng sống rất chật vật. Tuy nhiên, chỉ nên quy định theo thông lệ quốc tế là làm thêm tối đa 10-12 giờ/tuần.

Theo ông Hùng, nếu quy định như trong dự thảo là tối đa 400 giờ/năm thì có khi chỉ trong mấy tháng cao điểm, doanh nghiệp đã cho người lao động làm thêm đủ số giờ cho một năm. Mà như thế thì sức khỏe người lao động không thể đảm bảo, cũng không còn thời gian lo cho bản thân và gia đình. 

{keywords}
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên quy định thời gian làm việc một tuần 40 hoặc 44 giờ.

Ý kiến này được nhiều đại biểu đồng tình. Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng kể, năm 2012 khi thông qua Bộ luật Lao động, giới chủ đề nghị tăng lên 600 giờ/năm.

Tuy nhiên sau khi lấy ý kiến rộng rãi, Quốc hội đã thống nhất là giờ làm thêm mỗi tháng không quá 30 giờ, mỗi năm 200 giờ, trường hợp đặc biệt là 300 giờ/năm.

Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi chỉ quy định giờ làm thêm không quá 400 giờ/năm, theo ông Tùng là một sự “thụt lùi”. Ông Tùng đề nghị, thời giờ làm việc giảm từ 48 giờ/tuần xuống còn 40 hoặc 44 giờ, quy định giờ làm thêm 10-12 giờ/tuần sẽ khoa học hơn là tính theo tháng/năm và việc trả tiền làm thêm phải theo lũy tiến, 2 giờ đầu tính một mức, 2 giờ sau phải tăng thêm.

Tiếp thu các ý kiến này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ngay, tính thêm phương án một tuần làm việc 44 giờ, làm thêm không quá 12 giờ để tiếp tục lấy ý kiến. Tuy nhiên, nội dung này không được đại diện các doanh nghiệp đồng tình.

Đại diện Công ty Pouyuen Việt Nam cho rằng nếu sửa đổi thời giờ làm việc theo hướng giảm còn 44 giờ/tuần, giờ làm thêm sẽ tăng lên, lại còn tính theo lũy tiến sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp. 

Cân bằng lợi ích giữa các bên

Ông Yoon Youngmo, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho biết, giờ làm thêm có thể tính theo nhiều cách khác nhau, phải linh hoạt và tùy theo nhu cầu của người chủ, người lao động.

Theo ông Yoon Youngmo, tùy theo mục tiêu của Việt Nam là gì để quy định cho phù hợp. Cụ thể, nếu xác định khuyến khích người lao động làm thêm để tăng thu nhập thì quy định khác. Còn nếu mục tiêu là giúp người lao động làm việc bớt đi, cải thiện năng suất thì chọn quy định khác.  

Hội nghị còn ghi nhận nhiều ý kiến rất khác nhau giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động. Một số doanh nghiệp cho rằng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có nhiều điểm bảo vệ cho quyền lợi của người lao động nhiều hơn.

Chẳng hạn quy định trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là khi người lao động tự ý bỏ việc 6 ngày làm liên tục là không hợp lý, rất khó xử lý. Cũng rất khó chế tài người lao động khi đình công trái pháp luật, trong khi đó ở nước ngoài nếu đình công trái pháp luật và gây thiệt hại cho doanh nghiệp có thể bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định Bộ luật Lao động sẽ cân bằng lợi ích cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động, từng bước giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên.

Nhiều ý kiến đề nghị Bộ luật Lao động sửa đổi phải quy định chi tiết và sát thực tế hơn về đình công, bởi bộ luật qua bốn lần sửa mà vẫn chưa có cuộc đình công nào đúng pháp luật.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận xét, điều này chứng tỏ pháp luật về đình công chưa đi vào thực tiễn cuộc sống, như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau.

Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng quy định về đình công sẽ phải có những thay đổi nhất định. 

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi gồm 17 chương, 221 điều. So với bộ luật hiện hành, dự thảo giảm 21 điều và 160 điều có sửa đổi bổ sung. Nhiều hội thảo được các cơ quan tổ chức ở nhiều địa phương, nhiều giới để tiếp thu ý kiến đóng góp. Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết các ý kiến sẽ được xem xét khách quan để sớm có BLLĐ hoàn chỉnh, đủ “chín”.

(Theo Đầu tư Tài chính)