- Chính phủ đề xuất giữ nguyên mức thuế suất với bô xít do các dự án khai thác ở Lâm Đông và Đăk Nông trong những năm đầu chưa có hiệu quả.

Tại phiên họp sáng nay 21/8, UBTVQH cho ý kiến về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Theo điều chỉnh của Nghị quyết, Chính phủ dự kiến tăng thuế hầu hết các loại khoáng sản như sắt, titan, vàng, đồng, đất, cát, than, nước... Số thu ngân sách từ thu thuế mới đối với các loại khoáng sản này ước tính có thể tăng hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Riêng với bô xít và thiếc, Chính phủ đề nghị giữ mức nay. Nguyên nhân là các dự án khai thác bô xít ở Lâm Đồng và Đăk Nông trong những năm đầu chưa có hiệu quả.

Chính phủ khẳng định các mức thuế tăng đều nằm trong giới hạn cho phép, không vi phạm các thỏa thuận với doanh nghiệp cũng như các thỏa thuận quốc tế.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: khai thác tài nguyên đang như "nhà nghèo có gì bán được là bán". Ảnh: Minh Thăng

 

Trong khi đó, cơ quan thẩm tra là UB Tài chính - Ngân sách QH, đề nghị mức cao hơn, thậm chí đến mức trần, với hầu hết các loại tài nguyên.

Nhưng Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng chỉ nên "nâng chút đỉnh”.

"Tôi đã đến tận những nơi khác thác vàng rất khó khăn như Bút Sơn, Bồng Miêu, thấy các doanh nghiệp nước ngoài làm có công nghệ, đảm bảo môi trường, giải quyết nhiều việc làm, nâng thuế thì họ không hoạt động được nữa", ông Sơn nêu ví dụ.

Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu băn khoăn "đòi hỏi đổi mới công nghệ là một lần chi phí, nâng thuế là lần thứ hai, liệu doanh nghiệp có chịu được?". Ông không đồng ý tăng thuế sẽ giúp doanh nghiệp tăng giá bán.

"Giá cả do thị trường quyết định, tăng thuế liệu có ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Việt Nam?", ông Giàu đặt câu hỏi.

Đánh thuế cao xuất thô khoáng sản

Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện lại cho rằng doanh nghiệp phải nộp thuế nên bao giờ cũng muốn giảm thuế. Do đó, phải cân nhắc kỹ những kiến nghị. Việc tăng thuế, theo ông, không ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân và cả nền kinh tế.

Chưa kể thực trạng khai thác tài nguyên ở Việt Nam mà ông Hiện mô tả, đang trong cảnh  "nhà nghèo thấy có gì bán được là bán".

"Tài nguyên đều không tái tạo, cứ đào lên đem bán thô rẻ tiền rồi lại phải mua sản phẩm tinh luyện từ nước ngoài với giá cao. Trong khi các nước đều giữ tài nguyên, không bán vội mà đầu tư vào sản xuất để tăng thu ngân sách", ông Hiện đánh giá thực trạng này là "nực cười".

Chủ nhiệm UB Tư pháp yêu cầu quản lý tài nguyên khoáng sản cần tầm nhìn vĩ mô toàn quốc, thậm chí quốc tế, chứ tầm nhìn chỉ cấp huyện, thậm chí cấp xã như hiện nay thì "nguy hiểm". Ông nhấn mạnh, mức thuế tài nguyên có tăng cũng vẫn chưa cao bằng một số nước trong khu vực.

Chủ tịch HĐ Dân tộc QH Ksor Phước lại muốn có thêm thông tin trước khi thông qua Nghị quyết như người lao động và việc làm của họ sẽ bị tác động thế nào khi tăng thuế; doanh nghiệp đang lỗ lãi ra sao, tăng thuế có "giáng thêm một cú" khi họ mới bắt đầu hồi phục; ảnh hưởng gì đến độ tin cậy của doanh nghiệp và thế giới đối với hệ thống pháp luật của ta, khi thuế có vẻ chỉ "đánh" bề nổi mà không xử lý được "khoáng sản tặc" đang lộng hành; bài toán môi trường...

"Tôi là 1 trong 18 phiếu, phải bấm nút có trách nhiệm, cái đầu phải thông..” – ông lý giải yêu cầu của mình.

Trước các ý kiến còn khác nhau, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu ý kiến của Thường vụ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình lại vào tháng sau.

Ông cũng nhấn mạnh nguyên tắc không khuyến khích khai thác và xuất khẩu thô khoáng sản, kiên quyết đánh thuế cao xuất khẩu thô. Nhưng bên cạnh đó, đảm bảo nhất quán chính sách thu hút đầu tư, giữ chân doanh nghiệp.

Chung Hoàng