Bàn về phát huy nguồn lực văn hoá trong phát triển đất nước thời kỳ đổi mới, PGS. TS. Dương Quang Hiển Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: việc kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội là điều kiện quyết định cho sự phát triển bền vững đất nước.

Để phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thời kỳ mới, theo PGS. TS. Dương Quang Hiển cần quan tâm hơn nữa đến từng yếu tố trong tổng thể nguồn lực đó:

Không ngừng coi trọng, phát huy nguồn lực con người

Phải thực sự coi con người là trung tâm, là chủ thể trong phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Cần khơi dậy và phát huy tiềm năng sáng tạo; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển đất nước.

Trong đó, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển của toàn dân tộc. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Mỗi con người trong cộng đồng là một chủ thể mang sức mạnh và tiềm năng văn hóa. Bằng trình độ và kỹ năng hoạt động, các chủ thể mang tiềm năng văn hóa sẽ không ngừng sáng tạo ra các giá trị mới, thúc đẩy xã hội phát triển, từng bước đạt đến tiến bộ xã hội. Hoạt động của các chủ thể văn hóa có trí tuệ cao, nhân cách lớn sẽ đem lại nhiều giá trị lớn cho xã hội và cộng đồng. Hoạt động đó càng có giá trị quan trọng đối với tiến bộ xã hội, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiến bộ xã hội làm cho con người ngày càng phát triển cả về tài năng, trí tuệ và hoàn thiện nhân cách.

Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ phải thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy, phải coi trọng việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, Nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đó không chỉ đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước bằng năng lực tham mưu, lãnh đạo, quản lý, hạch toán, kinh doanh, xây dựng văn hóa... mà còn là những người giữ vững bản lĩnh, đạo lý, ý chí, khát vọng phát triển; biết khơi dậy tiềm năng, biến các giá trị văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh...

Bên cạnh đó, cần khai thác và phát huy nguồn “tài nguyên” sáng tạo của mọi cộng đồng cư dân; chú trọng giáo dục, bồi dưỡng các chủ thể văn hóa, nhất là thế hệ trẻ theo mẫu hình con người Việt Nam thời kỳ mới: Vững vàng về chính trị, kiên định lập trường cách mạng, giàu lòng yêu nước; có lòng tự hào, tâm huyết; có bản lĩnh và tinh thần chủ động, khát vọng đổi mới sáng tạo, tự cường, ý chí vươn lên, sống thủy chung; đoàn kết, có nghĩa, có tình, giàu tình thương và lòng vị tha, trọng đạo lý, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, thanh lịch, văn minh, hiện đại.

Phát huy các quan hệ văn hóa

Quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân với bản thân, gia đình và xã hội để tạo ra văn hóa ứng xử văn minh, lành mạnh, nhất là trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, trên không gian mạng...

Không ngừng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa và đạo đức tiêu biểu cho giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chủ động triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch đi vào chiều sâu; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành chặt chẽ, đồng bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý văn hóa; chủ động đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển thường xuyên, đều khắp và vững chắc. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp không ngừng chủ động, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, xây dựng con người có nếp sống văn hóa, văn minh; đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, để Đảng và hệ thống chính trị của chúng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh” đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tư tưởng, chú trọng tính kịp thời, tính chính xác và tính thuyết phục, góp phần định hướng dư luận xã hội. Đổi mới hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chương trình, kế hoạch của Trung ương; thường xuyên kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện. Trong đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới một cách cụ thể, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, kịp thời giải đáp một cách khoa học, làm sáng tỏ những vấn đề mới, khó, phức tạp về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tăng cường tính chủ động trong thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Rà soát, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, nhất là cơ chế, chính sách phát triển các nguồn lực văn hóa phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Coi trọng yếu tố văn hóa trong quy hoạch đô thị...

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách về giáo dục - đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học, nhất là đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực sự coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho sự phát triển. Hoàn chỉnh các văn bản pháp luật về văn hóa, nghệ thuật, thông tin trong điều kiện mới; ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo văn hóa và nâng mức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Không ngừng bổ sung, hoàn thiện chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tạo điều kiện cho sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở và cán bộ làm công tác văn hóa. Nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất, quản lý các hoạt động văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Kết hợp chặt chẽ xây dựng môi trường văn hóa số với nền kinh tế số, xã hội số. Tạo cơ chế phối hợp, liên kết đồng bộ trong phát triển ở mỗi ngành, lĩnh vực; có cơ chế phù hợp để huy động xã hội hóa đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, xúc tiến văn hóa du lịch; quan tâm đúng mức việc tổ chức các sự kiện chính trị, giao lưu, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong nước với bạn bè quốc tế về văn hóa. Xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, góp phần giải quyết mối quan hệ “văn hóa trong kinh tế” và “kinh tế trong văn hóa”...

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh là chủ yếu. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa đạo đức lành mạnh gắn với các phong trào và danh hiệu văn hóa...

Không ngừng đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Tổ chức đấu tranh chặt chẽ, đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở; tích cực, chủ động ngăn chặn, phản bác cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, phi văn hóa, phản văn hóa; tăng cường quản lý để hạn chế sự xâm nhập của các sản phẩm “gắn mác văn hóa” nhưng có nội dung độc hại, ảnh hưởng xấu đến lối sống, mỹ tục, tập quán và những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm văn hóa

Cần phát huy vai trò các ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, kinh nghiệm dân gian, trí tuệ và tri thức khoa học trong phát triển các sản phẩm văn hóa. Thúc đẩy các nguồn lực văn hóa liên kết với nhau thành véctơ tổng hợp tạo động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa toàn diện và đồng bộ. Trong đó chú trọng khai thác những yếu tố công nghệ, kỹ năng, thông tin, truyền thống nghề nghiệp, tài năng... của các chuyên gia, nhà khoa học và những người lao động có tay nghề cao. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới...

Phát huy các di sản văn hóa - thông qua các di sản một cách có văn hóa, tức là “văn hóa hóa” lĩnh vực kinh tế và gia tăng giá trị kinh tế trong hoạt động văn hóa từ các di sản văn hóa. Quan tâm phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn; các công trình văn hóa, hoạt động văn hóa, môi trường văn hóa phải trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và được bảo tồn, khai thác một cách hợp lý.

PV (lược ghi)