Bước sang giai đoạn mới, yêu cầu nâng chất nông thôn mới đã được nâng lên. Không chỉ là chuyện cái ăn, cái mặc, mục tiêu của xây dựng nông thôn mới giờ đây bên cạnh việc hình thành các gia đình, thôn, xóm xã, huyện nông thôn mới sạch đẹp, an ninh trật tự bảo đảm mà còn là nơi để ai cũng “muốn trở về, muốn đến”…

Luồng gió mới từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang tạo cơ hội để xây dựng nông thôn mới thông minh thực chất và tiết kiệm. Giới phân tích cho rằng, cần đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao vai trò, hoạt động của cộng đồng thông qua áp dụng chuyển đổi số.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất về hai mô hình xã đạt chuẩn nông thôn mới về viễn thông, Internet và xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội.

Xã đạt chuẩn nông thôn mới về viễn thông, Internet là tất cả các thôn, bản trên địa bàn xã có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng ít nhất 1 trong 2 loại dịch vụ điện thoại (trên mạng viễn thông cố định mặt đất hoặc trên mạng viễn thông di động mặt đất) và ít nhất 1 trong 2 loại dịch vụ truy nhập Internet (trên mạng băng rộng cố định mặt đất hoặc trên mạng băng rộng di động mặt đất). Dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn xã phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone chiếm 55% số thuê bao; riêng các xã tại huyện đảo là 45% số thuê bao.

Giai đoạn 2016 - 2025, xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội là xã phải có máy vi tính phục vụ công tác của cán bộ, công chức, với tỷ lệ máy vi tính/số cán bộ, công chức của xã đạt 80%. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật) đạt tối thiểu 50% đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đạt tối thiểu 70% đối với các xã còn lại.

Tỷ lệ cán bộ, công chức của xã được trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đạt tối thiểu 50% đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; đạt tối thiểu 70% đối với các xã còn lại. Tỷ lệ người dân từ 10 tuổi trở lên của xã được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số đạt ít nhất 40% đối với xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; đạt ít nhất 60% đối với các xã còn lại.

Xã ứng dụng công nghệ thông tin phải sử dụng ít nhất một trong các phần mềm ứng dụng sau: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thư điện tử chính thức của CQNN, hệ thống một cửa điện tử; Cổng/Trang thông tin điện tử (có chức năng phục vụ công tác quản lý, điều hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 2 của xã).

Yến Hưng