- Trao đổi với VietNamNet, Cục trưởng Cục khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cho biết, đề thi tốt nghiệp sẽ không gây khó giáo viên và học sinh. Đề thi sẽ được ra ở mức độ phù hợp với thời gian làm bài, đồng thời đảm bảo độ tin cậy trong đánh giá chất lượng học tập của học sinh...

Việc rút ngắn thời gian làm bài môn thi toán và văn nhận được đồng tình của nhiều trường, giáo viên. Tuy nhiên những thay đổi về cấu trúc đề thi chưa được Bộ GD-ĐT nói rõ và thay đổi có phần vội vàng. Đây có phải là việc làm gây khó cho cả cô và trò trong quá trình ôn thi tốt nghiệp không, thưa ông?

- Ông Mai Văn Trinh: Những thay đổi về đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã được Bộ công bố hướng dẫn tổ chức kỳ thi. Theo đó đề thi môn Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn.

{keywords}
Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh

Đề thi các môn Ngoại ngữ có 2 phần: viết và trắc nghiệm.

Những lưu ý về việc ôn tập hai bộ môn này đã được hướng dẫn cụ thể trong các công văn Hướng dẫn ôn tập của Bộ ngay khi Bộ có thông báo thi.

Đề thi sẽ được ra ở mức độ phù hợp với thời gian làm bài, đồng thời đảm bảo độ tin cậy trong đánh giá chất lượng học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, đề thi tốt nghiệp sẽ không gây khó giáo viên và học sinh.

Môn thi ngoại ngữ năm nay vẫn gói gọn trong 60 phút nhưng phần thêm thi viết bên cạnh phần thi trắc nghiệm. Bộ yêu cầu thí sinh làm hết thời gian phần thi trắc nghiệm trước rồi thu bài, chuyển sang thi trắc nghiệm. Xin Cục trưởng cho biết thời gian làm bài cụ thể của từng phần thi này là bao lâu?

Thời gian làm bài của từng phần sẽ được quy định cụ thể trong đề thi, đảm bảo sự phù hợp giữa thời gian làm bài với yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của học sinh mà đề thi đặt ra.

Việc chấm thi môn ngoại ngữ sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Nội dung này đã được quy định rõ trong văn bản hướng dẫn. Cụ thể là phần trắc nghiệm chấm tự động bằng máy và theo quy chế chấm bài thi trắc nghiệm; phần viết được chấm như chấm bài thi tự luận.

Năm nay số môn thí sinh phải thi rút từ 6 xuống 4 nhưng tổng số môn tăng lên 8. Với những môn thi như ngoại ngữ, lịch sử sẽ có trường hợp 1 thí sinh/phòng thi với 2 giám thị coi thi. Như vậy sẽ lãng phí hơn?

Việc sắp xếp phòng thi đã được quy định rõ trong quy chế và công văn hướng dẫn tổ chức thi.

Với những trường hợp cá biệt như trên, các Hội đồng coi thi nếu được thí sinh đồng ý có thể linh hoạt “gửi“ thí sinh đến làm bài tại một hội đồng bên cạnh để tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi, vẫn bảo đảm quy chế, đồng thời tránh những lãng phí không cần thiết.

Bộ có lưu ý gì các hội đồng thi trong việc bố trí các buổi thi, ca thi để tránh sự nhầm lẫn trong tổ chức thi, thưa ông?

Lịch thi chị tiết đã được công bố. Công tác tập huấn đã được các địa phương triển khai trước kỳ thi. Thẻ dự thi của thí sinh đã ghi đầy đủ các thông tin cần thiết về môn thi, phòng thi, thời gian thi. Tuy vậy, các Hội đồng thi cần lưu ý, không chủ quan để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo sát sao, kịp thời, các địa phương đã tích cực, chủ động với vai trò trách nhiệm cao để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất có thể cho kỳ thi. Đây là những yếu tố quan trọng bản đảm cho kỳ thi được diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Trong trường hợp phát hiện tiêu cực trong kỳ thi này, thí sinh có thể tố cáo qua những kênh nào thưa ông?

- Tại phòng thi thí sinh có thể phản ánh trực tiếp cho giám thị, lãnh đạo Hội đồng coi thi hoặc cán bộ thanh tra thi. Trong các trường hợp khác các em có thể phản ánh đến Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT cấp tỉnh hoặc Ban chỉ đạo thi của Bộ bất cứ lúc nào.

Bộ đã lên kế hoạch trực thi, có đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh về kỳ thi.

Còn ít ngày nữa học sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài việc chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng, cần giữ gìn sức khỏe để tự tin bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt...

Cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)