Huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm hơn 70% dân số. Đồng bào Raglai ở Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà cư trú tại một thung lũng sâu có núi cao bao bọc xung quanh, gần như tách biệt. Vì thế, họ vẫn còn giữ được nhiều yếu tố cổ trong ngôn ngữ và giá trị văn hóa dân gian dân tộc cổ truyền hơn nhiều vùng khác.
Đứng đầu mỗi palei là pô pa-lây (trưởng làng), người uy tín nhất dòng họ là kây pa-lây (già làng). Họ sống quy tụ theo tộc họ, phân chia thành các dòng tộc. Người Raglai theo tín ngưỡng đa thần "vạn vật hữu linh". "Giàng" là vị thần linh tối cao nhất, văn hoá có chữ viết, truyện thần thoại về các vị thần sáng tạo trời đất, muôn loài. Dân tộc Raglai có một kho tàng lễ hội dân gian phong phú và độc đáo, trở thành nét văn hóa hết sức đặc sắc. Đáng chú ý như lễ bỏ mả, lễ hội ăn đầu lúa mới, lễ cưới, lễ cầu mưa thuận gió hòa, lễ trưởng thành, lễ xuống giống…
Bà con Raglai đã sáng tạo ra chữ viết, xuất hiện từ năm 1964 - 1965. Nhờ đó,họ có thể ghi chép hàng trăm tác phẩm sử thi, truyện cổ, luật tục,... Trong đó, nhiều tác phẩm đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, biên soạn với độ dài lên tới hàng ngàn trang.
Nổi tiếng nhất phải kể đến những phiến đá - "đá hát" trong truyền thuyết của người Raglai. Đàn đá không chỉ là những tảng đá bình thường mà còn ẩn chứa những giai điệu kỳ diệu, mà còn lời “thì thầm” bí mật của núi rừng qua từng âm thanh vang vọng, giống như những chiếc cồng trong âm nhạc cổ truyền, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Xưa kia, đàn đá dùng để xua đuổi muông thú và còn là nhạc cụ, nhạc khí được dùng trong các lễ hội văn hóa của người đồng bào Raglai, gắn bó với đời sống của người dân.
Vì những ý nghĩa đó, bộ đàn đá cổ của người Raglai ở Khánh Sơn đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Để tiếng đàn đá cổ ở Khánh Sơn tiếp tục ngân vang giữa đại ngàn, qua đó đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở lại với đời sống của đồng bào Raglai, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện xây dựng các chương trình văn nghệ tuyên truyền phục vụ đồng bào tại các xã, thị trấn. Huyện tổ chức nhiều hoạt động và luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân người Raglai thể hiện những loại hình diễn xướng dân ca, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Những người làm công tác văn hóa trên địa bàn huyện cũng thường xuyên gặp gỡ các nghệ nhân để ghi âm các làn điệu dân ca, sử thi Raglai. Nhiều xã, thị trấn trong huyện thành lập các đội biểu diễn mã la, đàn đá, đội văn nghệ truyền thống và sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Trong năm 2023, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã trang bị cơ sở vật chất cho các nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn; tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống; tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể; khai giảng lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ đàn đá cho 56 học viên là người dân tộc Raglai; cán bộ, công chức làm công tác văn hóa; giáo viên bộ môn âm nhạc các trường học; học sinh có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ; thành viên đội văn nghệ của xã.
Nhằm tiếp tục khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì ít nhất một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, tổ dân phố. Cùng với đó, tăng cường các giải pháp xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng; chú trọng công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho nghệ thuật hát sử thi, các làn điệu dân ca Raglai, tạo ra nhiều chương trình giao lưu để các loại hình này tiếp cận được với nhiều khán giả nhất…