- Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm với các chức danh Thủ tướng, bộ trưởng, bắt đầu từ năm thứ hai trong nhiệm kỳ.
Theo dự thảo đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, hàng năm QH sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Dự thảo do Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Đặng Văn Chiến trình bày ở hội nghị trực tuyến của UB Thường vụ QH hôm nay (27/4). Theo đó, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số ĐBQH hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình QH miễn nhiệm hoặc từ chức.
UB Thường vụ QH được giao xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ cuối năm nay.
Từ bộ trưởng trở lên?
Điểm này được các ĐB ủng hộ. Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc kỹ phạm vi, đối tượng vì các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn có từ Chủ tịch nước, Thủ tướng đến ủy viên các UB của QH.
“Có bỏ phiếu tín nhiệm tất cả các chức danh này không?”, bà Nga đặt vấn đề.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh từ bộ trưởng trở lên, bắt đầu từ năm thứ hai trong nhiệm kỳ.
Với những vị 2 năm liên tiếp không nhận đủ phiếu tín nhiệm, bà Nga đề nghị cân nhắc các phương cách khác bên cạnh miễn nhiệm hoặc từ chức vì nhiệm kỳ của mỗi vị kéo dài 5 năm.
“Việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một hình thức nhắc nhở các vị kiện toàn, tăng cường chỉ đạo điều hành hiệu quả hơn”, bà Nga nói.
Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Huỳnh Thành Lập nhấn mạnh việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong Hiến pháp, song chưa có quy trình, thủ tục nên lâu nay vẫn vướng chưa thực hiện được.
Bà Nga đề nghị quy trình cần đơn giản và khả thi để ĐB thực hiện hiệu quả.
Bầu phải có số dư
Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị đổi mới mạnh mẽ hơn việc bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo.
“Các ứng cử viên ĐBQH đều phải có chương trình hành động để cử tri xem xét, đánh giá, bỏ phiếu bầu người xứng đáng”, bà Nga nói. “Nhưng khi bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo tại QH, ta vẫn căn cứ vào nhận định của từng cá nhân về khả năng của những người được đề cử đảm nhận các chức vụ”.
Theo bà Nga, với một số chức danh điều hành quan trọng như bộ trưởng, Thủ tướng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, trước khi ĐB bầu, các ứng cử viên nên có một chương trình hành động để ĐB có căn cứ bầu hoặc phê chuẩn một cách chính xác.
“Khi sau này có việc bỏ phiếu tín nhiệm, ĐB cũng phải căn cứ vào việc chương trình hành động đã được thực hiện như thế nào để đánh giá hiệu quả làm việc của các chức danh mình bầu hoặc phê chuẩn”, bà Nga nói.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhắc lại kiến nghị bầu các chức danh như Thủ tướng, bộ trưởng cần có số dư.
"Trước đây đã có lúc ta bầu Thủ tướng có số dư, trong điều kiện hiện nay không có lý gì không làm như vậy", ông Nam nhận định việc bầu các chức danh, bên cạnh giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, vẫn phải đảm bảo chất lượng thực chất.
Tranh luận đến cùng
Theo dự thảo, tại các phiên chất vấn tại QH với các thành viên Chính phủ, toàn bộ thời gian chất vấn tại hội trường sẽ được dành cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp.
Phiên chất vấn sẽ được bố trí vào cuối kỳ họp để ĐB có thời gian chuẩn bị câu hỏi chất vấn.
Thường vụ QH sẽ lựa chọn một số nhóm vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận xã hội, cử tri và ĐB quan tâm, dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn gửi xin ý kiến các vị ĐB và thông báo trước để ĐB có thời gian chuẩn bị câu hỏi.
Ông Đặng Văn Chiến nhấn mạnh việc chất vấn sẽ theo từng nhóm vấn đề, theo hướng đối thoại, tranh luận đến cùng, cần thiết QH sẽ ra nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn.
Tại UB Thường vụ QH cũng sẽ tiếp tục có các phiên chất vấn ít nhất 2 lần một năm. Các phiên giải trình trước Hội đồng dân tộc và các UB của QH cũng sẽ được tổ chức ít nhất 2 lần/năm.
Tại phiên họp mới đây của UB Thường vụ QH, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã “mở hàng” trả lời chất vấn trước Thường vụ QH.
Gần đây nhất, ngày 24/4 vừa rồi, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có cả một ngày giải trình trước UB Pháp luật QH về xử lý vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.
Các phiên chất vấn, giải trình của QH đều sẽ được phát thanh truyền hình trực tiếp.
Chung Hoàng