- Tại hội thảo lấy ý kiến về Hiến pháp sửa đổi do Hội Luật gia tổ chức ngày 13/3
tại TP.HCM, nhiều chuyên gia đề nghị thu hẹp quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội (UBTVQH) để tránh dẫn đến tình trạng QH bị 'vô hiệu hóa'.
GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên ban biên tập
dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết, qua tập hợp các ý kiến, đa số nhất trí cho
rằng nên thu hẹp quyền hạn của UBTVQH.
Đại biểu đề nghị thu hẹp quyền của Ủy ban Thường vụ QH. Ảnh: Tá Lâm
Theo bà Quỳ, do QH làm việc không thường xuyên theo kỳ họp nên phải lập ra
UBTVQH với tư cách là cơ quan thường trực, hoạt động thường xuyên để thay mặt QH
giải quyết các công việc phát sinh giữa hai kỳ họp. Tuy nhiên, nếu trao nhiều
quyền hạn cho UBTVQH sẽ dẫn đến tình trạng “vô hiệu hóa” QH và làm cho QH trở
nên hình thức.
“Việc trao nhiều quyền hạn cho UBTVQH còn có khả năng dẫn đến ngộ nhận cho rằng,
UBTVQH là cơ quan cấp trên của QH”, bà Quỳ nói.
Theo bà Quỳ, thu hẹp quyền hạn của UBTVQH là xu hướng của các bản Hiến pháp Việt
Nam. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không thể hiện được xu hướng
đó, trái lại còn quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn.
Do đó, bà Quỳ cho biết, các góp ý đề nghị bỏ thẩm quyền ban hành pháp lệnh, giải
thích Hiến pháp, luật ở khoản 2; bỏ thẩm quyền “bãi bỏ các nghị quyết sai trái
của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giải tán HĐND tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến
lợi ích của nhân dân” tại khoản 6 và bỏ thẩm quyền “Quyết định thành lập mới,
nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương” tại khoản 7 điều 79 của dự thảo.
Đồng ý với bà Quỳ, TS Vũ Văn Nhiêm - ĐH Luật TP.HCM cho rằng, để tiến tới một QH hoạt động chuyên nghiệp, trước mắt cùng với chủ trương tăng dần tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách, cần tăng tần suất họp thường kỳ của QH từ 2 lần/năm như hiện nay lên thành 4 lần. Khi cần thiết, QH có thể họp bất thường.
Tá Lâm