Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định số 02/2013/NĐ-CP về công tác gia đình đã đạt được những thành tựu đáng kể công tác xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý về gia đình. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp; tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về công tác gia đình,... được quan tâm thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện công tác gia đình theo quy định tại nghị định đến nay không còn phù hợp, nhiều nội dung thiếu đồng bộ, thống nhất, không còn phù hợp với chủ trương, chính sách trong tình hình mới. 

Ngoài ra, một số bất cập về nội dung trong Nghị định thì vẫn còn những khoảng trống chưa được quy định khiến cho việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. 

300459291_5420565991314334_2210769845587288959_n.jpg
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sửa nghị định quy định về công tác gia đình cho phù hợp với tình hình mới 

Trong đó có việc nghị định chưa quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác gia đình, chưa thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành từ trung ương, đến địa phương. 

Ngoài ra, gia đình là một trong 4 lĩnh vực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng hiện nay, tại các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, Công tác gia đình được ghép với một bộ phận của lĩnh vực văn hóa. 

Giá trị của gia đình được xác định là một trong 4 giá trị quan trọng cần được ưu tiên để xây dựng trong tình hình mới. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định này vào nhiệm vụ của Công tác gia đình để có cơ sở tổ chức thực hiện. 

 Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, các mô hình về xây dựng gia đình đã được nhiều cơ quan, tổ chức xây dựng, thí điểm và triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ gia đình phát triển bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình. 

Tuy nhiên, việc thực hiện chưa có sự chuẩn hóa dẫn đến chồng chéo và tính bền vững chưa cao. Cụ thể, mô hình "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa" được thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố nhưng khi đề án hỗ trợ của trung ương kết thúc cũng không phát huy được hiệu quả; các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình giảm cơ bản hoạt động sau khi hết giai đoạn hỗ trợ từ các dự án, chương trình thí điểm; mạng lưới "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" được báo cáo bao phủ hầu khắp các xã, phường, thị trấn và ngày càng tăng về số lượng nhưng việc hỗ trợ người bị bạo lực gia đình còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô của địa chỉ tin cậy đã được công nhận.

Đặc biệt, công tác gia đình chủ yếu triển khai ở cộng đồng, tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng. Việc phối hợp cùng xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở cộng đồng là giải pháp thúc đẩy Công tác gia đình. 

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình khuyến khích sử dụng đội ngũ cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. 

Bên cạnh đó, căn cứ pháp lý để ban hành Nghị định số 02/2013/NĐ-CP đến nay hầu hết đã hết hiệu lực thi hành cần được được thay thế bằng văn bản mới. Vì vậy, việc cụ thể hóa quy định này không chỉ là để triển khai luật mà còn là giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác gia đình.

Từ những thực trạng nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về công tác gia đình là hết sức cần thiết. 

Việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác gia đình; đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác gia đình thời gian qua.

Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nghị định nhằm cụ thể hoá các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước có liên quan đến công tác gia đình trong tình hình mới. 

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về gia đình; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác gia đình; nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình. 

Dự thảo đề xuất 2 chính sách:

Chính sách 1: Hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước về gia đình, tăng cường cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác gia đình.

Chính sách 2: Khuyến khích xã hội hóa và đẩy mạnh phân cấp trong thực hiện công tác gia đình.