Thưởng thức bản nhạc 'Rạp chiếu bóng thiên đường' của Ennio Morricone
Ennio Morricone người thổi cơn gió mát lành vào các bộ phim, khởi sinh và bện chặt vào chính mỗi hành trình phim để tạo ra thứ âm nhạc hoàn toàn mang đậm dấu ấn của vị soạn nhạc này.
Chuyến tàu trở về hay nỗi buồn quay quắt của những phận người
Đêm nhạc bắt đầu bằng việc giới thiệu vắn tắt về cuộc đời cũng như sự nghiệp của Ennio Morricone. Để rồi khi dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn (SPO) tấu lên bài nhạc đầu tiên trong bộ phim The Cinema Paradiso (1988) - Rạp chiếu bóng thiên đường (1988) là lúc hình ảnh cậu bé Toto ngày nào mê chiếu bóng, trở về cố hương sau 30 năm ly biệt để dự đám tang của người thầy đầu tiên trong cuộc đời mình. Nơi đó có rạp chiếu bóng cũ kỹ sẽ bị phá bỏ để làm bãi giữ xe. Thiên Đường minh chứng bao minh tinh màn bạc xuất hiện trên màn chiếu với bao khán giả háo hức đợi chờ. SPO khởi đầu bằng một nỗi buồn bằng thứ âm nhạc lãng đãng, dìu dịu trên chuyến tàu trở về nơi mình cuồng yêu bằng cả tuổi trẻ. Ở đó có người thầy, người bạn, người yêu và cả thanh tân gắn liền với chiếu bóng.
Không dùng một MC bằng da bằng thịt dẫn chuyện, đêm nhạc tưởng nhớ huyền thoại này được dẫn dắt bởi người clip được quay trước và chiếu lên màn ảnh, giống như nỗi hoài niệm đầy tiếc thương trước khi ra đi của vị soạn nhạc toàn năng. The Mission (1986) - Sứ mệnh truyền giáo (1986) tiếp nối câu chuyện ấy như những con người truyền giáo năm nào, người nhạc trưởng bắt đầu dẫn dắt để khán giả chìm đắm như gợi nhắc về cộng đồng người da đỏ gắn liền với thiên nhiên, yêu cái đẹp và đem đức tin đến hết cuộc đời. Vẫn là nỗi buồn, vẫn là sự mất mát, âm nhạc kết chuyển tài tình tiếng lòng của những trái tim đang còn thổn thức.
Bài số 3 trong 5 bài được chọn cho đêm nhạc, The Legend of 1900 (1998) - Huyền thoại 1900 (1988) dường như hòa hợp và kết nối những con người hòa điệu dưới ánh đèn sân khấu. Cuộc đời của anh chàng 1900 với ngón nghề Piano thượng thừa, cả đời gắn bó với con tàu, với tiếng sóng và với thứ âm nhạc định hình cái tôi riêng biệt. Khó để phủ nhận SPO đã không gây xúc động khi chơi tác phẩm thứ 3 trong chuỗi 5 bài nhạc phim.
Bởi lẽ, hình ảnh chiếc đĩa xoay tròn đã từng mời gọi số phận của người nghệ sĩ, sự rực rỡ thành công, có phần diêm dúa khi bước từ trạng thái lênh đênh trên tàu sang trạng thái ổn định trên đất liền của cậu bé năm nào được nhặt bởi người xúc than cho tàu gây nhiều nuối tiếc.
Âm nhạc nhuốm màu hoài niệm cảm giác cả dàn nhạc Sài Gòn đưa cả con tàu năm nào, trình hiện lại cuộc đối đầu giữa khiêm cung và kiêu ngạo, giữa số đông và cái tôi dị biệt, giữa những chiếc piano giống nhau trên bờ và chiếc piano duy nhất trên tàu. Biến sân khấu Nhà hát TP.HCM thành bối cảnh với tiếng dặt dìu của piano khởi phát cho sự bùng nổ khi phá tan Con tàu cuộc đời của chàng trai 1900.
Thiện – Ác, Tà: Tiếng vó ngựa dẫn về nghĩa trang kho báu
Kết phần một bằng The Good, The Bad and The Ugly (1966) - Thiện, Ác, Tà (1966) với một tràng vỗ tay thật dài từ khán giả dưới khán phòng.
Phần 2 của đêm nhạc bắt đầu và đẩy nghệ sĩ saxophone, nhạc sĩ Nguyễn Bảo Long trở thành điểm sáng khi tiếng kèn hòa cùng tiếng Piano, trống & contrebass biến hóa thành một không gian khác biệt hoàn toàn với phần 1. Vẫn là âm nhạc của Ennio Morricone, với phần phối khí tài tình của Bảo Long, chất jazz đậm đặc của Jumpforjazz và sự chuẩn mực mẫu mực của SPO đã làm nên một hành trình phiêu lưu mới, mang lại sự khác biệt hoàn toàn.
Cái kết cuối cùng bằng cú ngã của nhạc trưởng, để rồi đứng dậy, tiếp tục dẫn dắt và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt khi khán giả đứng dậy, vỗ tay một tràng dài với nhiều lần cúi đầu chào kết mang cả sự hàm ơn của sự cộng hưởng có một không hai trong đêm nhạc.
Ngô Vinh
Ảnh: Phạm Đắc Tài
Đêm nhạc tưởng nhớ huyền thoại âm nhạc Ennio Morricone
Đêm nhạc tưởng nhớ huyền thoại âm nhạc - điện ảnh Ennio Morricone sẽ diễn ra ngày 27/12/2020 tại Nhà hát TP.HCM.