Tôi có người bạn khá thân từ thời đại học. Sau này ra trường đi làm, cả hai vẫn giữ mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ thường tụ tập bên ngoài chứ không đến nhà nhau. Lần này bạn mời tôi đến nhà chơi và ở lại ăn cơm, tôi cũng vui vẻ nhận lời.

Vì phải đi làm buổi sáng nên gần trưa tôi mới đến nhà bạn. Khi tôi đến thì cơm canh đã sẵn sàng. 

Mâm cơm được bày ra khá thịnh soạn, có 4-5 món ngon lành. Đang đói nên nhìn món nào tôi cũng thấy hấp dẫn. Nhưng khi nhìn bát nước mắm, tôi có chút rùng mình.

moikhach.jpg
Bát nước chấm thừa khiến tôi rùng mình. Ảnh minh họa: FP

Trong bát nổi đầy váng mỡ, còn dính chút rau giống như được để từ hôm trước. Tự nhiên tôi thấy sợ, mất cảm giác ngon miệng.

Tôi vốn không thích chấm chung vì sợ mất vệ sinh và có thể lây bệnh. Đi ăn hàng, tôi luôn xin một bát chấm riêng nhưng đến nhà người khác tôi không dám yêu cầu. Tôi liếc nhìn các món ăn và gắp nhưng chẳng dám đụng vào bát nước chấm.

Bữa cơm vì vậy không còn ngon nữa. Đã thế, mẹ bạn còn liên tục dùng đũa cá nhân gắp thức ăn cho tôi.

Bữa cơm hôm đó dù thịnh soạn nhưng tôi phải ăn trong trạng thái miễn cưỡng, cố ngồi cho xong bữa. Về đến nhà, bụng tôi đói cồn cào. 

Hôm sau, tôi tâm sự với một người bạn khác về suy nghĩ của mình. Cậu ấy nói nhiều gia đình có thói quen giữ lại nước chấm. Họ tiếc một chút mắm thừa nên không đổ đi, hôm sau dùng tiếp. Có nhà để đồ thừa lại rồi hôm sau cho đồ mới vào nấu cùng.

Thật ra, tôi cũng biết đó là thói quen của họ, là cách ăn uống bấy lâu nay khó thay đổi nhưng tôi không thể chấp nhận và thích nghi với việc đó.

Trong chuyện ăn uống, ngoài món ngon thì cảm giác vệ sinh, an toàn, yên tâm là rất quan trọng.

Sau bữa ấy tôi về suy nghĩ mãi. Có lẽ từ nay bạn bè chỉ nên rủ nhau ra hàng ăn chứ không nên đến nhà ai cả. Vì mỗi nhà có một thói quen, ví dụ như, tôi không thích người khác gắp đồ ăn cho mình nhưng người ta cứ gắp mà mình không ăn thì lại thành vô duyên. Biết đâu tình cảm bạn bè cũng vì những chuyện nhỏ ấy mà bị ảnh hưởng?

Độc giả giấu tên