- Sở dĩ họ xem nhà ông Mơng (bản Cháo, xã Hiền Kiệt, Quan Hóa, Thanh Hóa) là khá giả vì có mấy con lợn thả rông. Nhưng những con lợn đó cũng chỉ phục vụ cho việc ma chay, cưới hỏi, lễ tết, còn lại ông chưa bao giờ bán nó được một đồng bạc nào.
Hai bản 3 không
Bản Cháo và bản Ho là 2 bản biên giới đặc biệt khó khăn của xã Hiền Kiệt. Chỉ vỏn vẹn có 150 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Thái, đường xá đi lại khó khăn đến nỗi vào mùa mưa người bản địa cũng phải khiếp sợ. Chính vì vậy mà hai bản này được người ta gọi với cái tên bản 3 không, tức không đường, không điện, không sóng truyền hình.
Đời sống của người dân bản không đường, không điện, không sóng truyền hình. |
Nói đến bản 3 không, người dân nơi đây vẫn “ngán” nhất là không đường. Cách trung tâm xã khoảng 10km nhưng hai bản này nằm tách biệt, cô lập. Cô lập ở đây không phải vì cách sống mà vì không có đường, chính vì vậy mà 100% hộ dân nơi đây đều thuộc diện nghèo đói.
Họ nghèo đói cũng phải. Bởi không có ruộng lúa, cuộc sống dựa vào nương rẫy. Của cải làm ra không thể mang xuống suôi bán được mà trao đổi hàng hóa với nhau bởi một nhúm người trong bản.
Ông Hà Văn Mơng (bản Cháo) cho biết, người dân bản Cháo đã sống ở đây qua bao nhiêu thế hệ, đến nỗi người già nhất bản họ cũng không biết nổi. Nhưng từ khi ông được sinh ra thì đã thấy nơi đây chẳng có điện, đường đi lại.
Bản thân ông Mơng được coi là hộ gia đình khá giả nhất bản. Sở dĩ họ xem nhà ông là khá vì ông Mơng nuôi được mấy con lợn thả rông. Tuy nhiên, những con lợn đó cũng chỉ phục vụ cho việc ma chay, cưới hỏi, lễ tết, còn lại ông chưa bao giờ bán nó được một đồng bạc nào.
“Chẳng ai lên đây mua lợn cả. Chúng tôi không thể vác con lợn đi cả 10 cây số xuống chợ bán được. Vả lại, người dân nơi đây nhà nào cũng có lợn, mang xuống chợ không ai mua thì sức đâu mà vác nó về nhà”, ông Mơng cho biết.
Bản Cháo nghèo nàn nằm sâu trong thung lũng của núi rừng. |
Không chỉ khó khăn về đường xá, bà con nơi đây còn mong mỏi có đường điện để mang văn minh, văn hóa về thôn bản. Ông Mơng bảo, tuy xã thôn nghèo nhưng bọn trẻ nơi đây được đến trường đầy đủ.
Nói xong ông lại lắc đầu ngoay ngoảy: “Chúng tôi già rồi thì sao cũng được, nhưng bọn trẻ đến trường không có điện để học bài, cứ thế này thì tương lai của chúng nó cũng chẳng khác gì mấy so với chúng tôi bây giờ”.
Giáo viên vào dạy ở 2 bản được chính quyền xã hỗ trợ tiền mua tua pin phát điện để soạn giáo án. Cả hai bản có 45 cháu học sinh mẫu giáo, 62 cháu học sinh cấp tiểu học. Thế nhưng 2 điểm trường mẫu giáo đang còn là tranh tre nứa lá, 2 điểm trường cấp tiểu học do xây dựng cách đây 14 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng.
Bao giờ mới hết đói nghèo
Theo báo cáo của UBND xã Hiền Kiệt, bản Ho có 72/92 hộ thuộc diện nghèo, bản Cháo có 42/57 hộ thuộc diện nghèo. Hàng năm, nhà nước phải hỗ trợ 5 tháng gạo ăn chính vì vậy mà nơi đây luôn trong tình trạng túng, đói nhất là vào những mùa giáp tết, giáp hạt.
Theo ông Lường Quang Giảng, Phó bí thư Đảng ủy xã, đây là 2 bản có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn của xã. Đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn nhất là về đường và điện.
Không có điện, nhiều gia đình trong bản góp tiền mua tua pin phát điện về dùng. |
“Bà con trên đây tuy nghèo nhưng rất cần cù chịu khó, sáng sớm là vợ chồng con cái dắt díu nhau lên nương rẫy. Nhưng do đặc thù vùng đất vốn không có gì phát triển được nên người dân nơi đây quanh năm nghèo đói”, ông Giảng nói.
Ông Giảng cho biết thêm, hiện nay vấn đề xã quan tâm nhất là khắc phục 2 điểm trường mầm non, 2 điểm trường tiểu học của hai bản, vì các điểm trường này đã xuống cấp trầm trọng.
Để tháo gỡ những khó khăn tồn tại hiện nay, xã đã có những đề nghị lên lãnh đạo huyện sớm xây dựng đề án phát triển kinh tế Hiền Kiệt. Đó là việc xây dựng đường giao thông và kéo điện lưới lên cho bà con phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Chia tay bản Ho, Cháo điều khiến chúng tôi phải suy nghĩ không biết bao giờ người dân nơi đây mới thoát được cảnh đói nghèo.
Lê Anh