HTML clipboard

- Bản án tử hình được tuyên, kẻ tử tù bình thản tra tay vào còng để lên xe về trại. 14 năm thay đổi tên gọi để nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, Lê Bá Sông tưởng chừng tội ác trong quá khứ đã bị lãng quên, nhưng nỗi đau Sông gây ra còn đó, bị cáo phải đền tội cho quá khứ lầm lỗi của mình.

Tội ác trong quá khứ

Trước vành móng ngựa là người đàn ông có nước da trắng trẻo, gương mặt bảnh bao, quần áo gọn gàng. Lần thứ hai đứng trước vành móng ngựa, Lê Bá Sông (44 tuổi, quê Thanh Hóa) không có vẻ khúm núm, sợ sệt như nhiều bị cáo khác.

Khác với phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa lần này không có mặt những người thân bị cáo. Bị hại trong vụ án đã vĩnh viễn nằm xuống từ lâu, những người thân của anh vẫn thấp thỏm chờ ngày đến tòa để chứng kiến lúc hung thủ bị pháp luật phán xét.

Vụ án đã xảy ra cách đây 14 năm, đó là khoảng thời gian không phải quá dài đối với một đời người, nhưng với gia đình bị hại, đó là những ngày tháng dài đằng đẵng và nỗi đau mất đi người thân vẫn còn nguyên vẹn. Nỗi đau ấy như trào lên khi vị chủ tọa nhắc lại nội dung vụ án.

Bị cáo Sông tại phiên tòa

Lê Bá Sông sinh ra tại một miền quê ở tỉnh Thanh Hóa. 15 năm trước, Sông từng gây thương tích cho một người rồi trốn lệnh truy nã vào TP.HCM sinh sống. Che giấu thân phận tốt, năm 1996, Sông được nhận là người phụ trách, quản lý nhóm công nhân thi công cống thoát nước thuộc một công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Hóc Môn (TP.HCM).
 

Ngày 30/7/1996, Sông bị mất một ví tiền bên trong có 3 chỉ vàng, 1 triệu đồng và 200 USD. Do nghi ngờ anh Phạm Văn Trinh đã lấy cắp nên Sông gọi Phạm Đỗ Hùng, Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Huế phụ mình bắt trói anh Trinh vào cột nhà để tra khảo.

Đến 22 giờ cùng ngày, sau khi đi chơi về thấy Sông đang tra khảo anh Trinh nên nhóm công nhân cũng xông vào đấm đá nhưng anh Trinh một mực khẳng định mình không lấy cắp. Do anh Trinh không nhận nên Hùng lấy dây dù buộc vào chân rồi treo ngược người này lên còn Sông và các đối tượng còn lại dùng khúc cây tràm đánh nạn nhân đến khi ngất xỉu.

Thấy anh Trinh bất tỉnh, Sông tiếp tục sai “đàn em” múc nước hắt vào mặt cho tỉnh lại để đánh đập, tra khảo tiếp. Khi nạn nhân ngất xỉu lần thứ hai cả nhóm mới cởi trói, hắt nước vào mặt rồi bỏ đi ngủ.

Sáng hôm sau, phát hiện nạn nhân đã chết, Sông sai đàn em mang xác nạn nhân đến chôn cất bên một mương nước đồng thời đốt hết đồ dùng cá nhân của người này để phi tang. Chứng kiến vụ việc, Hoàng Văn Triệu sợ bị Sông đánh nên không dám can ngăn.

Ngày 31/7/1996, Nguyễn Văn Đông và Hoàng Văn Triệu đến cơ quan công an đầu thú. Các đối tượng còn lại lần lượt bị bắt và xử lý. Riêng Lê Bá Sông bỏ trốn sau đó đổi tên thành Lê Quang Minh rồi lập gia đình và sinh sống tại Bình Thuận, hiện đã có hai con nhỏ. Đúng 14 năm sau, ngày 1/7/2010, Sông bị bắt theo lệnh truy nã.

Đền tội

Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt Lê Bá Sông mưc án tù chung thân về tội “giết người”, 5 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật”, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Sau phiên tòa, Viện kiểm sát đã kháng nghị bản án theo hướng tăng hình phạt, đại diện bị hại là chị T.T.H. (vợ nạn nhân) cũng kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tuyên án tử hình.

Ngồi trên băng ghế đại diện cho người bị hại, chị H. chết lặng, nước mắt trực trào khi nghe nói đến cuộc tra khảo dã man và cái chết của chồng. Chồng mất, mất đi chỗ dựa gia đình, một nách chị nuôi ba con dại, mẹ con chị phải bồng bế nhau từ Thanh Hóa vào TP.HCM để kiếm sống bằng công việc lượm ve chai.

Bao nhiêu đắng cay, bao nhiêu cơ cực chị cố gắng vượt qua nhưng cứ nghĩ đến cái chết của chồng mà kẻ chủ mưu đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, lòng chị lại quặn thắt. Cũng có lẽ vì thế mà chị quyết tâm kháng cáo.

Tại tòa, Sông quanh co chối tội, không thừa nhận một số hành vi khiến lòng chị càng thêm bức xúc. Bào chữa cho bị cáo, luật sư cho rằng theo kết quả giám định anh Trinh chết do chết ngạt chứ không phải do hành vi trực tiếp của bị cáo gây ra, hơn nữa vụ án xảy ra cách đây quá lâu, người nằm xuống không thể sống lại, bị cáo hiện đã có gia đình, hai đứa con nhỏ đang ngóng trông cha, từ ngày trốn lệnh truy nã bị cáo không vi phạm pháp luật thêm một lần nào. Từ đó luật sư chia sẻ với nỗi đau của gia đình bị hại và mong chị H. có thể tha thứ.

Nghe lời trình bày của luật sư, người đàn bà lam lũ khẽ cúi đầu nhưng nỗi đau mất chồng, nghĩ đến cái chết thảm của anh và những ngày tháng cơ cực lòng chị như đông cứng, chị quyết định giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

“Chồng tôi mất đi bao nhiêu năm tháng là bấy nhiêu ngày tôi mang theo nỗi đau bên mình, nỗi đau ấy còn nguyên vẹn. Bị cáo hành động quá tàn nhẫn không thể tha thứ. Nếu không tử hình bị cáo, chồng tôi không thể yên lòng nơi chín suối…”, chị trình bày trước tòa.

Giờ nghị án, đôi mắt Sông lạnh lùng nhìn vào khoảng không phía trước, không một lần nhìn lại phía sau lưng. Việc cân nhắc quyết định sự sống và cái chết của một con người không phải điều dễ dàng, sau khi xem xét, HĐXX quyết định 3 ngày sau mới tuyên án.

Ngày 23/5, những người thân phía bị hại có mặt từ rất sớm chờ nghe tòa tuyên án còn Sông vẫn ngồi lặng lẽ với gương mặt vô hồn trên băng ghế dành cho bị cáo. Đứng trước sự sống và cái chết nhưng bị cáo này vẫn bình tĩnh lạ thường.

Tòa nhận định bị cáo Lê Bá Sông là người chủ mưu cũng là người trực tiếp tham gia tra khảo và gây ra cái chết cho nạn nhân, bản thân bị cáo từng có tiền án và đã trốn lệnh truy nã về tội “cố ý gây thương tích”. Sau khi gây ra cái chết cho nạn nhân bị cáo lại tiếp tục bỏ trốn và thay đổi tên gọi gây khó khăn cho cơ quan công an, quá trình điều tra bị cáo không thể hiện sự khai báo thành khẩn nên xét thấy bị cáo không còn khả năng cải tạo, cần thiết phải cách ly bị cáo vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội.

Từ đó, tòa chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát cũng như kháng cáo của gia đình bị hại, sửa án sơ thẩm tuyên phạt Lê Bá Sông mức án tử hình về tội “giết người”.

Bản án tử hình được tuyên, kẻ tử tù bình thản tra tay vào còng để lên xe về trại. 14 năm thay tên đổi họ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, Lê Bá Sông tưởng chừng tội ác trong quá khứ đã bị lãng quên, nhưng nỗi đau hắn gây ra còn đó, bị cáo phải đền tội cho quá khứ lầm lỗi của mình.

Mai Phượng