Vì không vừa lòng với khoản tiền phạt giao thông không đáng có, một kỹ sư người Thụy Điển đã vướng vào một vụ kiện tụng kéo dài 6 năm, để rồi giờ đối mặt với… cơ hội thay đổi thế giới. Câu chuyện dài dòng này bắt đầu từ năm 2013, khi vợ anh kỹ sư Mats Järlström nhận được một cái vé phạt do tội vượt đèn đỏ, gia đình anh phải nộp phạt 260 USD.
Số tiền không phải thứ khiến Järlström bực mình, mà là hệ thống camera tự động cùng thời lượng đèn vàng xuất hiện trên cột. Järlström, với tấm bằng kỹ sư điện trong tay, lên tiếng phản bác, rằng thời lượng đèn vàng xuất hiện đã không bao gồm trường hợp người điều khiển phương tiện đi vào nút giao thông hay đi chậm lại để rẽ. Theo lời anh Järlström, bằng việc tăng thời gian hiển thị đèn vàng, người điều khiển phương tiện sẽ có cơ hội rẽ trước khi đèn chuyển đỏ.
Chỉ cần thay đổi chưa tới 1 giây, mọi sự cũng đã có thể khác: hệ thống tự động vốn sẽ đưa vé phạt khi phát hiện thấy phương tiện vượt khi đèn đỏ đã hiển thị được 0,12 giây. Từ khi vợ bị phạt, Järlström đã nghiên cứu, thậm chí phát biểu trước đám đông về những phép toán anh đã tính được, bên cạnh đó nêu lên cách thức giải quyết vấn đề.
Năm 2015, Järlström đệ trình đơn khiếu nại lên Hội đồng Giám định Kỹ thuật và Trắc địa Bang Oregon, cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành điều tra; một năm sau, Järlström … bị phạt 500 USD do tự xưng là kỹ sư, thực hiện công việc của kỹ sư khi chưa được phép. Järlström chỉ chưa có bằng kỹ sư do bang sở tại cung cấp, chứ anh có cả bằng cấp kỹ sư lẫn kinh nghiệm làm việc rồi.
Đầu năm nay, gió đổi chiều: tòa án đã công nhận và cho phép Järlström (cũng như mọi kỹ sư khác trên địa bàn Oregon) được khẳng định vị thế kỹ sư của mình. Järlström cũng đã được nhận lại 500 USD tiền phạt oan. Nhưng đây không phải vấn đề chính: câu chuyện đang được nói tới là hành trình sửa đổi thời gian hiển thị đèn vàng, thay đổi thứ công nghệ đã quyết định tình trạng giao thông toàn thế giới từ thập niên 60.
Kể từ khi quyền lên tiếng với danh nghĩa kỹ sư được thiết lập, Järlström đã làm việc với nhiều kỹ sư khác, tìm ra phương pháp thay đổi cách đèn giao thông hoạt động. Suốt mùa hè vừa rồi, sau nhiều buổi trò chuyện và tranh luận, thì hội đồng Viện Kỹ sư Giao thông (ITE) lắng nghe ý kiến đã đồng ý rằng thời gian hiển thị đèn nên được thay đổi. ITE là nhóm cố vấn quốc tế với thành viên từ 90 quốc gia, chắc chắn lời nói của họ có trọng lượng.
“Đèn giao thông màu vàng lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1920 và tới 1960, ba nhà khoa học là [Denos] Gazis, [Robert] Herman và [Alexei] Maradudin đã đặt ra nền móng khoa học của đèn giao thông mà ta vẫn dùng cho tới ngày nay”, Järlström viết trong email gửi trang tin The Register. “Ta cũng đang đứng ở giây phút lịch sử, để cập nhật giải pháp khoa học của năm 1960 để ứng dụng vào việc rẽ của phương tiện”.
Theo lời Järlström, nếu ITE đồng ý với giải pháp các kỹ sư Oregon đưa ra, những đèn vàng tương tự với đèn nút giao thông được nêu ra trong vụ kiện hồi 2015 sẽ được tăng thời gian hiển thị, từ 3,2 giây lên 4,5 giây. Con số mới được tính toán dựa trên thời gian phản ứng của người điều khiển phương tiện, khoảng cách an toàn, thời gian để xe giảm xuống tốc độ hợp lý. Dù rằng các nút giao thông khác nhau, điều kiện tham gia giao thông khác nhau nhưng về cơ bản, đèn vàng sẽ phải hiển thị lâu hơn hiện tại.
Các chuyên gia của ITE sẽ tiếp nhận ý kiến của nhóm các kỹ sư, phân tích các phép toán rồi đưa ra một văn kiện cuối cùng để trình lên Ban Điều hành ITE phê duyệt. Nếu mọi thứ suôn sẻ, đầu năm 2020 trở đi, đèn giao thông sẽ thay đổi.
Đời vốn éo le, lịch sử luôn tìm cách lặp lại chính nó. Hồi 1960, khi nhóm các nhà khoa học đặt nền móng cho thời lượng hiển thị đèn giao thông, một trong số các bộ óc sáng giá đó tham gia nghiên cứu cũng vì … ông tin rằng mình bị phạt oan.
Trong email trao đổi với Järlström, nhà khoa học giải thích Alexei Maradudin kể rằng ông được Robert Herman mời tới Trung tâm Kỹ thuật General Motors để hợp tác nghiên cứu. Đến nơi, hỏi chuyện thì mới biết Herman tham gia nghiên cứu này là có “tư thù” với đèn giao thông: Herman bực mình về một cái vé phạt vượt đèn đỏ ông cho là không đáng có.
Theo GenK