- Một ngày sau thông tin ĐH Bách khoa Hà Nội đưa thầy già vào thế khó - sáng 31/10 lãnh đạo nhà trường đã có buổi làm việc với báo chí. Về hai văn bản ký ngày 29/6/2012 và 6/9/2012 theo Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Giảng: “Đây là thông báo nhằm định hướng và quản lí tốt cũng như đảm bảo chất lượng công tác nghiên cứu sinh (NCS)”.

ĐH Bách khoa đưa thầy già vào thế khó

Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Giảng: “Đây là thông báo nhằm định hướng và quản lí tốt cũng như đảm bảo chất lượng công tác NCS”.

Xung quanh trăn trở của GS.TSKH Lê Hùng Sơn về hướng dẫn NCS của trường “gây khó cho nhiều người thầy giàu kinh nghiệm và có tâm huyết nhưng không còn đương chức”, hiệu trưởng Nguyễn Trọng Giảng thông tin: “Thầy Sơn năm nay 68 tuổi. Hợp đồng làm việc của thầy với trường đến cuối 2014 mới hết. Trường luôn coi trọng kinh nghiệm và trình độ, sự đóng góp của những người như GS Sơn”.

"Những thầy cô đã hết tuổi công tác nhưng muốn gắn bó với trường đều được ký hợp đồng lao động"  - lời ông Giảng Thời gian 1 năm, 2 năm hay 5 năm do các thầy quyết định. Khi này, họ có tư cách như cán bộ còn công tác trong trường, có quyền nhận và hướng dẫn NCS.

Muốn quản lí chặt NCS

  Ông Giảng lý giải hai văn bản ký ngày 29/6/2012 và 6/9/2012: “Đây là thông báo nhằm định hướng và quản lí tốt cũng như đảm bảo chất lượng công tác NCS”.

Từ năm 2009, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình tự chủ  trong quản lí và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Ở bậc đào tạo tiến sĩ khoa học, mỗi năm, trường chỉ nhận dưới 350 NCS và coi họ là những người nghiên cứu khoa học thực sự. Yêu cầu NCS “phải tham gia các công tác khoa học và sinh hoạt học thuật của bộ môn chủ quản, kể cả việc giảng dạy và có cơ chế trợ giảng”.

Với người làm tiến sĩ toàn thời gian, trường yêu cầu phải làm việc 100% thời gian tại trường (trong 3 năm).

Với người đào tạo không tập trung (trong 4 năm) yêu cầu này là 100% thời gian trong năm thứ nhất, 3 năm sau phải có kế hoạch tháng, năm. Tổng thời gian làm việc tại trường phải đạt 2 năm.

Đầu năm 2012, đích thân ông Giảng cùng Trung tâm kiểm định chất lượng nhà trường đã dành 2 tuần tới từng khoa, bộ môn để kiểm tra nhằm chấn chỉnh nề nếp công tác nghiên cứu khoa học, NCS.

"Một số NCS không tập trung không vào trường, thầy hướng dẫn cũng không vào trường. Có NCS không đảm bảo có thời gian làm việc ít nhất 1 năm tại trường. Có NCS đăng ký làm toàn thời gian cũng vậy, chỉ tới một chút rồi đi. Thậm chí, có người 1 năm không tới trường. Thầy hướng dẫn đến bộ môn không quản lí được NCS và đề tài của họ. Nếu tiếp tục như vậy, chất lượng NCS sẽ rất kém” – ông Giảng nêu thực tế.

Trước thực tế đó, nhà trường thông báo: Người hướng dẫn là 1 cán bộ đương chức của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có tuổi không quá 57 đối với người hướng dẫn có học vị TS, TSKH, không quá 62 đối với người hướng dẫn có học hàm GS, PGS”.

Ông Giảng phân tích: “Sau 3 năm, nếu NCS hoàn thành đề tài thì thầy cô sẽ đến tuổi 60 với nữ, 65 với nam. Tính toán đó nhằm đảm bảo trong thời gian trên,  NCS không bị bơ vơ vì vấn đề sức khỏe”.

Yêu cầu người dẫn phải còn đương chức, theo ông Giảng “vừa để kèm cặp, hỗ trợ thầy già và quản lí thời gian của NCS”. 

Phó Viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) Nguyễn Đắc Trung bổ sung: Không phải ngẫu nhiên trường có thông báo trên.

Từng có trường hợp NCS đã làm được 2 năm sau lên hỏi tôi không có cách nào liên hệ với thầy hướng dẫn. Thời gian gần hết song kết quả của người này gần như chưa có gì. Hỏi ra thì thầy ốm nặng, phải về Vinh (Nghệ An) điều trị. Hay có trường hợp người hướng dẫn đi nước ngoài để NCS bơ vơ”.

Có tình, có lý

Trả lời câu hỏi tại sao văn bản ra năm 2012 lại  áp dụng cho hướng dẫn NCS năm 2010, 2011, ông Giảng lý  giải: “Vừa qua, khi thanh kiểm tra thấy một số thầy và NCS làm không tốt nên trường có thông báo nhưng chỉ để xem xét. Trường có hội đồng kỷ luật để quyết định có cho NCS tiếp tục nghiên cứu hay không”.

Ông Nguyễn Đắc Trung thông tin: “Trong 17 NCS bị ảnh hưởng bởi 2 thông báo, chỉ 2 người bị đình chỉ bởi không có thực hiện kế hoạch làm việc, không làm việc toàn thời gian theo yêu cầu, kết quả không có dù đã gần hết thời gian,…trưởng bộ môn không quản lí được. Nhận kết luận họ đều đồng ý”.

Quyết định trên theo lãnh đạo nhà trường hoàn toàn không ảnh hưởng đến các thầy đang hướng dẫn NCS.

“Trường không phân biệt chuyện “chính, phụ” với người hướng dẫn. Đó là việc các thầy thỏa thuận với nhau và chúng tôi chấp nhận” – ông Giảng bổ sung.

Hiệu phó Nguyễn Cảnh Lương: “Từ thông báo tới xem xét kỷ luật trường làm rất chặt, có tình có lý”.

Hiệu phó Nguyễn Cảnh Lương nhấn mạnh: “Trường không xử lí ngay. Làm phải có tình có lý. Nếu NCS cam kết 3 điều kiện: từ nay trở đi thực hiện nghiêm túc các quy định, nếu cơ quan cử đi phải có quyết định chính thức gửi lại trường để họ yên tâm bảm đảo thời gian làm NCS và cuối cùng là cam kết của thầy hướng dẫn”.

“Năm 2012, không có khúc mắc về công tác hướng dẫn NCS. Việc làm này (ra thông báo-PV) nhằm định hướng cho công tác NCS thời gian tới”- ông Giảng khẳng định.

Cần tin tưởng người trẻ

Chia sẻ về  lo ngại chất lượng của người hướng dẫn NCS, hiệu trưởng Nguyễn Trọng Giảng cho hay: “Tuổi trung bình của  đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là 38 - rất trẻ. Trong 2.090. người có 17 GS, 240 PGS, 547 TS, 828 ThS. Họ là những người giỏi chuyên môn. Hiện có 75 nhóm nghiên cứu với 13 chương trình nghiên cứu cấp trường. Chúng ta nên tin tưởng họ”.

Coi trọng việc phát triển nguồn cán bộ trẻ, những năm vừa qua, bằng nhiều con đường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tạo điều kiện cho họ đi học tập nước ngoài. Hiện có 250 người đang làm NCS tiến sĩ ở nước ngoài. Những người đã đi học, theo ông Giảng: “Đa số họ quay về”.

Dù không đảm bảo trả lương cao cho những người trẻ đi học nước ngoài về nhưng như lời hiệu trưởng Giảng: “Trường tạo mọi điều kiện về môi trường để họ thể hiện. Tất nhiên, làm nhiều sẽ hưởng nhiều, đồng nghĩa với thu nhập cao”.

  • Văn Chung