-Phố đi bộ quanh Hồ Gươm đã hoạt động được vài ngày, dư âm về sự thích thú, hấp dẫn, sự đông đảo vui tươi của khách bộ hành cùng với những chuyện vứt rác bừa bãi, xe máy vẫn chạy trên phố, nhà vệ sinh không đủ nước… để lại ít nhiều tâm tư, nhưng Hà Nội đã đi bộ - những bước đi đầu tiên để đến tương lai Hà Nội xanh hơn.
Từ tối ngày 1/9, người Hà Nội đã chứng kiến những giờ phút đầu tiên Hồ Gươm lung linh ánh đèn tĩnh lặng, trong trẻo đến lạ lùng khi không có dòng chảy ô tô, xe máy ào ào chạy qua. Sáng 2/9, Các bạn KTS yêu phố đi bộ quanh hồ Gươm đã tụ tập trên café tầng 2 phố Hàng Khay để trông xuống phố.
Chưa kịp yên vị thì điện thoại của KTS Phạm Tuấn Long liên tục reo vang, bàn café trở thành một phần của tuyến phố đi bộ: báo cáo các vị trí trông xe đạp, xe máy số lượng gửi ngày càng nhiều, các chậu hoa đã chuyển dịch để tiện cho hoạt động nhưng không che chắn các công trình kiến trúc lịch sử, xe ô tô cứu thương cứu hỏa đã tập kết tại các địa điểm, những tủ bán nước uống tự động đã hoạt động trơn chu, triển lãm ảnh lịch sử Hồ Gươm đã xắp xếp, nhóm tổ chức trò chơi dân gian đã sẵn sàng… Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Tp Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã khẩn trương phối hợp với các Sở, Ngành Tp lập 12 phương án ,đáp ứng các yêu cầu an toàn, an ninh, vệ sinh, môi trường, các hoạt động văn hóa lễ hội…
Hồ Gươm 19:40 ngày 1/9
. Sáng ngày 2/9 cafe tầng 2 số 9A Hàng Khay: KTS Đoàn Kỳ Thanh, Nguyễn Ngọc Quang, Trần Huy Ánh, Mochizuki, Phạm Tuấn Long (Ảnh Hanoidata)
|
Chúng tôi xuống phố, đi vào phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí để ngắm nhìn dòng người tung tăng trên phố, có em bé nói chưa sõi nhưng đã hét lên sung sướng khi được chạy nhảy tự do, những gương mặt ông bố, bà mẹ không còn lo âu, dè chừng mà bình an, mãn nguyện khi thấy con chơi trong khung cảnh rộng mở an toàn…Thế mới hay: Hạnh phúc đôi khi giản dị là vậy mà không dễ gì với tới. Tất cả chúng ta đã từng chập chững những bước tập đi đầu tiên, để rồi một ngày ta đi lại trên đường phố hiển nhiên như những con cá bơi trong làn nước, vậy mà giờ đây ta không thể dễ dàng đi bộ an toàn trên các nẻo đường ngay trong thành phố của mình.
KTS Đoàn Kỳ Thanh – người đã kiến tạo khu “Zone 9" nổi danh một thời, nay rất hy vọng phố đi bộ quanh Hồ Gươm, phố sách Đinh Lễ -Nguyễn Xí sẽ là không gian khởi nguồn sáng tạo – nơi các bạn trẻ Thủ đô có thể trình bày những tác phẩm sáng tạo, những thể nghiệm tiền phong vừa làm phong phú nhu cầu thưởng ngoạn văn hóa, vừa đóng góp những cơ hội sinh kế mới cho bản thân và xã hội.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang đã từng ứng dụng CNTT trong phân tích các tình huống giao thông Hà Nội, ông đã đánh giá cao sự sáng tạo trong phân luồng tổ chức giao thông cơ giới để tạo phố đi bộ an toàn và giảm bất lợi, ông cũng hy vọng bằng các nghiên cứu mới của mình sẽ đóng góp các kịch bản phân vùng/phân cấp nhiều vòng hơn nữa để việc di chuyển vào ra khu trung tâm với bên ngoài được tối ưu hơn. Nguyễn Ngọc Quang làm việc tại Đại học GTVT Hà Nội, đang là NCS Tiến sĩ tại Hà Lan, ông cho rằng: bằng quyết tâm tạo phố đi bộ, Hà Nội đã tạo nên sự thoải mái của người dân Hà Nội ngang với ở Amsterdam (Hà Lan) – Thủ đô của đất nước giàu hơn Hoa Kỳ và tất nhiên thu nhập cao hơn Việt nam 25 lần, ở đó người dân thoải mái đi bộ, còn xe đạp vô cùng phổ biến, nhiều người giàu có, bộ trưởng sử dụng xe đạp hàng ngày.
Vậy là chẳng kể giàu hay nghèo, chưa cần đến những dự án hàng tỷ USD, nếu lãnh đạo Thành phố có tầm nhìn thì có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc ngay tức thì cho dân chúng.
KTS Mochizuki Shinichi đến từ Nhật Bản, ông là điều phối viên của Tuần lễ Giao thông Châu Âu (EMW), phụ trách chương trình “Ngày không khói xe – Car Free days" Nhật Bản và Châu Á, ông đã mang đến Hồ Gươm một ba lô nặng trĩu những tài liệu khuyến khích người dân đi bộ, sử dụng các phương tiện GTCC, ông cũng chia sẻ kinh nghiệm dự án “ Car free days” mà ông đã thực hiện tại Hội An từ năm 2012-2016 với các tuyến đi bộ, xe đạp kết nối xe bus công cộng quanh Tp Hội An. Yêu quý Hà Nội, KTS Mochizuki đã nhiều lần tới Hà Nội để tư vấn tình nguyện cho dự án, Mochizuki mong muốn có nhiều tuyến xe bus từ các nơi trong Tp dẫn đến khu phố đi bộ, bố trí làn xe bus thường, bus điện, xe đạp xen kẽ, tiếp cận phố đi bộ linh hoạt hơn, ông hy vọng sẽ quay lại sau một tháng phố đi bộ hoạt động để trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức cá nhân quản lý, vận hành phố đi bộ.
Tờ rơi Phố đi bộ
Sơ đồ khu phố đi bộ treo ở góc phố Makati (Philippin) : chỉ rõ vị trí bãi đỗ xe, bến xe Bus, MRT
Sơ đồ tuyến phố đi bộ và các tòa nhà Makati (Ảnh Hanoidata)
|
KTS Phạm Tuấn Long cho hay đây mới là khởi đầu, nhiều dịch vụ/hoạt động sẽ tiếp tục bổ sung, phát triển... nhưng hay nhất là phát huy sự tham gia của cộng đồng/ hai thác các thế mạnh sẵn có: đó là sự tháo vát của bà con, sự ủng hộ của các cơ quan quanh phố, nhiều dịch vụ vệ sinh, trông xe, ăn uống, giải trí sẽ tăng dần. Không gian quanh Hồ Gươm không chỉ mang lại giá trị tinh thần mà còn xuất hiện nhiều cơ hội phát triển kinh tế.
Bên cạnh phố đi bộ cuối tuần cho bà con Thủ đô thì quận Hoàn Kiếm cũng sẽ quan tâm tổ chức các tuyến đi bộ an toàn theo giờ đến trường và tan học cho trẻ em, gắn kết với những vườn hoa sân chơi nhỏ… Còn Tuyến đi bộ quanh Hồ Gươm cũng sẽ tiếp tục bổ sung thông tin quảng bá bằng tờ rơi hướng dẫn, sơ đồ lộ trình đi bộ, điểm đỗ xe bus, các vị trí trông xe… để bà con chủ động tiếp cận phố đi bộ từ xa.
Không gian đi bộ quanh Hồ Gươm sẽ là điểm trung tâm để bà con Thủ đô sẽ tạo dần thói quen đi xe đi bộ tuyến ngắn, đi xe đạp tuyến vừa và đi xe bus tuyến dài… Hà Nội bằng những việc làm giản dị sẽ từng bước giảm xe cơ giới cá nhân, giảm phát thải CO2 và Thủ đô sẽ Xanh lên từng ngày, cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước.
KTS Trần Huy Ánh