- Từ nửa tháng nay, ngày nào gia đình Amí Hrí (buôn Dhă Prông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) cũng phải mang can đi xin nước.

Trưa nay, Amí Hrí lại cùng con gái mang can nhựa trắng chạy xe máy sang nhà người quen cách đó khoảng 500m xin nước giếng về nấu cơm.

{keywords}

Quen dùng cả nguồn nước giếng đào và nước máy của thành phố, hơn một tháng trước nước giếng bị khô cạn, nước máy bị cắt nên sinh hoạt của gia đình Amí Hrí hoàn toàn đảo lộn. 

Ngày nào Amí Hrí cũng mở tất cả các van nước chờ nhưng các vòi đều khô rang.

Nhưng gia đình Amí Hrí vẫn còn may mắn bởi còn đi xin được nước về dùng. Nhiều bà con trong buôn không có nước, phải đi xa hàng kilômét ra suối chắt từng chai về và phải tắm giặt ngoài suối.

{keywords}

Không có nước máy, Amí Hrí phải đi xin từng can nước về nấu cơm.

Chị Nguyễn Thị Châu Uyên nhà sát ngay mặt đường Y Moan (phường Tân Lợi) cả tuần nay cũng không có nước máy. Nhà không có giếng nên vợ chồng chị mang xô, chậu sang hàng xóm xin bơm nước giếng về dùng.

Thiếu nước, nhà lại có con nhỏ nên quần áo chất đống. Vợ chồng thường xuyên phải đi làm xa nên chị Uyên dặn các con ở nhà, phải liên tục mở van, thành phố mở nước khi nào thì hứng đầy xô, chậu... trữ ngay. 

“Không hiểu sao nước máy khan hiếm đến vậy. Trước đây, có cắt thì cũng chỉ 1-2 ngày, nay cả tuần không có giọt nước nào. Hàng tháng, tiền điện nước mình đều đóng đầy đủ”, chị Uyên than thở.

Không bó tay chịu thiếu nước, chị Nguyễn Thị Thu (phường Ea Tam) chấp nhận bỏ tiền ra mua 3 chiếc bồn loại 1000 lít để trữ nước.

“Nước thì phập phù, ngày có ngày không, nếu không trữ sẽ không có nước dùng. Với tình hình khô hạn thế này, thiếu nước sẽ còn kéo dài. Thôi thì tốn kém một lần dùng lâu dài cũng đáng”, chị Thu chia sẻ nhưng cũng không dám chắc những chiếc bồn sẽ được trưng dụng tối đa.

{keywords}

Người dân TP. Buôn Ma Thuột phải huy động đủ loại thau, chậu, thùng xốp để trữ nước.

Muối bỏ bể

Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk quản lý 7 trạm bơm, nhà máy xử lý nước sạch với công suất thiết kế hơn 57 nghìn m3/ngày đêm

Vậy mà ông Nguyễn Văn Tin, phó giám đốc công ty than thở, sản lượng nước hiện chỉ còn tối đa khoảng 36 nghìn m3/ngày đêm.

So với nhu cầu của hơn 58 nghìn hộ dân Buôn Ma Thuột, lượng nước cấp ra thiếu hơn 18 nghìn m3/ngày đêm.

Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày có khoảng 1/3 số hộ dân không được cấp nước sinh hoạt.

{keywords}

Nhà máy xử lý nước Ea Cuôr Kap cạn nước, phải hoạt động cầm chừng.

Trước tình trạng khan hiếm nước, công ty chấp nhận phương án đóng, mở nước luân phiên. Đối với những điểm dân cư ở địa hình cao, đường ống cơi nới, nhỏ không thể bơm nước tới thì đành cắt để chia nước cho những khu khác.

Thay vào đó, công ty bố trí một xe bồn 5m3 túc trực chở nước 24/24h.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ như muối bỏ bể, bởi chỉ với 1 xe bồn, công ty không thể chở xuể nước cho cả chục ngàn hộ dân đang khát.

Hiện nay, tất cả giếng khoan, mạch nước ngầm mà công ty này đang khai thác đã tụt giảm nghiêm trọng.

{keywords}

Mạch nước ngầm lộ thiên ở nhà máy xử lý nước Kô Tam chỉ còn lại dòng nước nhỏ

Trạm bơm nước Kô Tam (xã Hòa Đông, Krông Pắk) có công suất 12 nghìn m3 lấy từ 2 giếng khoan sâu 50m và từ một mạch nước ngầm lộ thiên.

Đây là trạm chủ lực cung cấp ước cho thành phố nhưng chỉ hoạt động cầm chừng với công suất chỉ 2 nghìn m3/ngày/ đêm.

Ông Trương Công Dũng, công nhân vận hành trạm bơm cho biết, cách đây chừng 10 năm, mạch nước ngầm lộ thiên rất dồi dào, phun tràn lên cả mặt đất nhưng nay chảy nhỏ giọt.

Lượng nước về không đủ, buộc trạm bơm phải dừng nghỉ liên tục, cứ bơm 1 tiếng thì phải nghỉ 2-3 tiếng để chờ nước.

{keywords}

Khơi dòng 4 lần vẫn khát

Ông Phạm Văn Bôn, trạm trưởng cho biết, hiện tại nước trong lòng hồ đã cạn nghiêm trọng. Mới đầu mùa khô nhưng mực nước trong hồ đã cạn bằng cuối mùa khô năm trước.

“Lượng nước không đủ sản xuất, phải thường xuyên khai dòng dẫn nước vào nhà máy mới có nước để xử lý. Từ đầu mùa khô đến nay đã phải khơi dòng 4 lần. Nếu không có mưa, chắc sẽ phải khơi dòng ra giữa lòng hồ mới hi vọng tiếp tục có nước để xử lý”, ông Bôn lo lắng.

{keywords}

2 nhà máy xử lý nước khác là Ea Msel (công suất 8 nghìn/m3 ngày đêm) và Hòa Thắng (công suất 2,4nghìn m3/ngày đêm)cũng trong tình trạng tương tự.

Nhà máy Ea Msel đã không còn đủ nước hoạt động, buộc phải lắp đường ống bơm nước từ hồ Ea Cuôr Káp về xử lý, sau đó lại bơm ngược trả về bể chứa Ea Cuôr Kap để chuyển nước đi.

Công suất cầm chừng chỉ còn khoảng 1,6 nghìn m3/ngày/đêm. Trong khi đó, nhà máy xứ lý nước Hòa Thắng thì gần như tê liệt vì 3/4 giếng khoan ở độ sâu 130m đã khô cạn.

{keywords}

Giếng khô cạn, nước mát bị cúp, người dân ra suối tìm nước uống, tắm giặt

{keywords}

Những con suối còn nước là nơi tắm, giặt, lấy nước sinh hoạt của người dân

Theo ông Nguyễn Văn Tin, về lâu dài, để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho TP Buôn Ma Thuột, công ty đang triển khai dự án xây dựng nhà máy công suất 35 nghìn m3/ngày đêm, với với tổng vốn đầu tư hơn 30 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Nhưng dự kiến đến quý IV năm 2017 nhà máy mới cơ bản hoàn thành một số hạng mục và đưa được nước về Buôn Ma Thuột.

“Từ đây đến khi dự án hoạt động được, người dân Đắk Lắk còn phải đối diện ít nhất với 2 mùa khô khốc liệt nữa”, ông Tin lo lắng.

Trùng Dương

ĐBSCL hạn hán lịch sử:


Save