Hiệu nghiệm của bùa yêu đến đâu vẫn là những câu chuyện đồn thổi. Tuy nhiên, đây vẫn là một tập tục lâu đời của người dân vùng đất Tây Bắc.
Thực hư về phép màu của "bùa yêu"
Mở đầu câu chuyện, ông Đồng khẳng định: "Tôi chỉ giúp cho những người nam, người
nữ độc thân bén duyên nhau chứ không bao giờ làm bùa chú cho những người bỏ gia
đình để đi với tình nhân khác".
Theo như lời thầy bùa Hoàng Tiến Đồng thì kho sách cổ và các phép làm bùa là do
ông cụ thân sinh ra ông tên Hoàng Hữu Tố truyền lại. Bản thân ông cũng không rõ
những cuốn sách chữ Nho đã vàng úa này được tổ tiên truyền từ đời nào lại. Chỉ
biết rằng, người nào trong huyết thống nhà ông được lựa chọn giữ gìn thì phải
bảo quản cẩn thận hơn cả con ngươi trong mắt của mình.
Chính vì thế, chỉ khi có người đến nhờ làm lễ hoặc làm bùa, ông mới mang sách
ra. Còn bình thường, ông cất sách trong một chiếc rương gỗ lim có khóa sắt chắc
chắn kê ngay ở đầu giường ngủ. Để đọc và hiểu được nội dung những cuốn sách cổ
này, ông Đồng đã phải bỏ ra 20 năm cần mẫn theo cha học tập. Nói khó mãi, ông
Đồng mới cho chúng tôi được cầm những cuốn sách quý để xem và nhất quyết không
giải nghĩa nội dung trong đó vì đấy là "bí mật của tổ tiên".
Ông Hà Xuân Nhã. |
Trong hàng chục cuốn sách chữ Nho của ông Đồng dùng để làm lễ, làm bùa, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cuốn sách có tiêu đề là "Trung nguyên hợp hôn". Đây cũng chính là cuốn "cẩm nang" để làm bùa yêu của ông Đồng. Theo lời vị thầy bùa, cuốn sách này có thông tin về bản mệnh của tất cả mọi người theo ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Khi có ai đó đến nhờ ông làm bùa yêu thì ông phải tra xem 2 tuổi người nam, người nữ có hợp mệnh nhau không.
Nếu hợp thì ông mới làm, nếu không hợp thì ông từ chối. Nếu hợp hôn thì người đến xin bùa phải chuẩn bị một đôi nhẫn bạc, 2 miếng vải đen, trắng (khoảng 2m2/miếng), 1 ít tiền. Nhẫn bạc thì để lên bàn thờ rồi mời vị thần Nam đường, bà mụ, ông tơ bà nguyệt xuống se duyên cho. Bùa yêu được viết bằng chữ Nho và được hóa đi sau buổi lễ. Người xin bùa mang chiếc nhẫn bạc về tặng cho người con gái có tình cảm cùng đeo. Nếu trong 7 ngày có hiệu quả, tình cảm có tiến triển thì đến làm lễ tiếp?.
“Dị nhân” bùa yêu Hoàng Tiến Đồng. |
Ông Đồng chia sẻ, nếu các đôi trai gái thành duyên thì theo tục lệ, họ phải trả lễ lại cho ông mối là tôi 1 con gà trống thiến, 1 cái đùi lợn, 12 cái bánh dày (mỗi cái nặng nửa cân có nhân đỗ xanh), 1 con gà mái tơ. Tiền cảm tạ thì ít nhiều không quan trọng nhưng phải là con số 4: 40.000 đồng, 400.000 đồng, 4 triệu đồng...
Khi chúng tôi đang ngồi trò chuyện với ông Hoàng Tiến Đồng thì có một đôi vợ chồng đến chơi. Hỏi ra tôi được biết họ ở TP. Tuyên Quang và nhờ "bùa yêu" của thầy Đồng mà bén duyên chồng vợ (?). Anh chồng tên Tạ Anh Tuấn, nguyên là quân nhân giải ngũ. Vốn tính hiền lành, nhút nhát nên dù rất thích cô thôn nữ tên Thoa ở dưới cây 15 nhưng chẳng bao giờ anh dám ngỏ lời. Mẹ anh Tuấn nghe người ta giới thiệu mới đưa anh đến nhờ ông Đồng làm lễ và cho bùa.
Chẳng hiểu do tác dụng của "bùa yêu" hay bởi cô gái cảm tấm lòng chân thật của chàng trai phố hiền lành, chịu khó mà họ đã nên vợ nên chồng và sinh được 1 cậu con trai kháu khỉnh. Ông Đồng cho biết, năm ngoái, ông đã giúp cho 8 cặp đôi người Cao Lan thành vợ chồng hoặc hàn gắn hạnh phúc. Những người ở nơi khác đến xin bùa thì ông không nhớ hết.
"Nèm" bí ẩn của người Mường Phú Thọ
Được biết, thầy bùa Hoàng Tiến Đồng ở Tuyên Quang không phải là người đầu tiên có khả năng làm được "bùa yêu" mà tôi từng gặp. Cách đây ít lâu, trong một chuyến công tác ở thị trấn Tân Sơn, huyện Phú Thọ, tôi đã từng được gặp một "dị nhân" cũng có khả năng làm "nèm" cách gọi bùa ngải của người Mường. Ông thầy bùa này có vẻ còn cao tay hơn cả ông thầy bùa người Cao Lan khi khẳng định chưa từng thất bại trường hợp nào?.
Đến thị trấn Tân Sơn (Phú Thọ) hỏi thầy bùa Hà Xuân Nhã hầu như ai cũng biết. Ông Nhã là người Mường gốc, năm nay đã gần tám mươi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn dẻo dai. Ngồi tỉ tê câu chuyện, ông Nhã cho biết ông bắt đầu học "nèm" từ năm 22 tuổi.
Ông có 2 vị sư phụ là bà Hà Thị Nghi và Hà Thị Tám (bà Tám là vợ hai của bố ông Nhã). Hàng năm bắt đầu từ mồng 1 cho đến mồng 10 Tết, ông Nhã cùng các học trò lại đến nhà sư phụ để nghe truyền dạy các khẩu quyết và cách thức "nèm". Đầu tiên phải nói được nguyên văn 10 câu thần chú mà không sai một từ, cứ thế học trong vài năm thì có thể "hạ sơn" cứu nhân độ thế. Bản lĩnh cũng tùy vào sự lĩnh hội của từng người mà khác nhau.
Ông Nhã tự nhận mình chỉ ở mức... trung bình, làm được những việc đơn giản còn tuyệt kỹ thì phải kể đến bà Lam ở Thu Cúc, ông Hà Văn Phin ở xóm Mùn (Dịch Giáo, Tân Lạc, Hòa Bình) hay ông Minh ở xã Văn Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình). Nhưng ông cũng tự tin để nói rằng, bản thân ông từ lúc hành nghề cũng chưa bao giờ gặp phải sự thất bại.
Cuốn sổ quý của ông Đồng. |
Lang thang ở thị trấn Tân Sơn, chúng tôi nhận thấy, người Mường nơi đây rất tin vào sức mạnh và sự hiệu nghiệm của "nèm". Những người có khả năng làm "nèm" đều được mọi người trọng vọng, tin tưởng. Đổi lại, người làm nghề "nèm" phải luôn giữ được chữ tâm trong sáng nếu không sẽ bị quả báo nặng nề. Một câu chuyện về thầy "nèm" Hà Văn T. xảy ra chưa lâu và vẫn thành đề tài bàn tán của người dân Tân Sơn mỗi khi rảnh rỗi.
Thầy T. ở khu 4 thị trấn Tân Sơn có cô con gái đến tuổi lấy chồng nhưng với hình thức trung bình nên vẫn chưa tìm đâu bến đậu. Ông T. đã quyết định "nèm" cho con gái mình với một người đàn ông trung niên giàu có làm nghề xây dựng dù anh ta đã có gia đình. Vậy là dù vợ và con trai người đàn ông đó đã dùng mọi hình thức dọa nạt và ngăn cản nhưng hai người vẫn thường xuyên đi lại theo kiểu "già nhân ngãi, non vợ chồng".
Một thời gian sau ông T. mất, cuộc đời cô con gái cũng từ đó bám chặt với người đàn ông có vợ kia. Vì cũng theo quan niệm duy tâm đã tồn tại từ bao đời, thầy nào "nèm" thì đích thân thầy đó phải "giải" mới có hiệu nghiệm. Anh chủ thầu xây dựng kia mua xe, xây nhà và chu cấp tiền cho cô gái sống sung túc nhưng cuộc sống gia đình luôn lục đục, bất hòa.
Những câu chuyện trên vẫn chỉ là những lời đồn đoán, chưa ai kiểm chứng rõ ràng, có lẽ đây chỉ là những nghi thức tâm linh cần được sự quan tâm và nghiên cứu của các nhà văn hóa...
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch UBND xã Lưỡng Vượng - cho biết: "Bố ông Đồng rồi đến ông Đồng đều làm trùm làng, hay đi cúng bái giúp các nhà trong bản có việc ma chay, cưới hỏi. Tôi có biết khả năng của ông Đồng qua lời kể của nhiều người dân trong xã nhưng chưa được chứng kiến tận mắt. Tuy nhiên, đây chỉ là một tín ngưỡng dân gian, chưa được kiểm chứng của khoa học. Chính vì thế, nghi thức tâm linh này cần được sự quan tâm và nghiên cứu của các nhà văn hóa”.
(Theo NĐT)