- Từ bách hóa Thanh Xuân đến bến xe khách Hà Đông nơi nào có xe khách, xe buýt chở học sinh, sinh viên là có những người chào bán tăm nhân đạo… Cộng tác viên của báo VietNamNet tường trình hoạt động phức tạp này.

Tin bài khác:

Ép người làm từ thiện

Vừa xuống xe buýt, chưa kịp đứng vững tôi đã bị đặt gọn gói tăm vào tay. Chị bán tăm nhanh nhảu nói: “Cho em gói tăm, em lấy giúp nhé”. Nói xong chị ấy đưa giấy tờ cho tôi để kí, miệng lẩm bẩm: “Mua tăm từ thiện, giúp những người khốn khó, tật nguyền”. Không lạ với kiểu tiếp thị mang danh giúp đỡ người khuyết tật nhưng vơ vét cho túi mình, tôi đã thẳng thắn từ chối.

Cạnh chỗ tôi ngồi, em N.T.V từ Hưng Yên lên dự thi trường Đại học Kiến Trúc sau lời mời chào nhiệt tình của người bán tăm đã rút tiền mua 1 gói tăm nhỏ với với giá 20 nghìn đồng. Cậu cho biết: “Chị ấy nói là ủng hộ những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, thấy vậy em cũng không ngần ngại”.

Nghĩ rằng đã giúp được 1 người có hoàn cảnh khó khăn V đã tỏ ra rất hồ hởi.

Em Nguyễn Thị Linh ở Hải Phòng lên dự thi trường Đại học Hà Nội cũng được mời chào và không ngần ngại rút tiền mua ủng hộ: “Em và bác vừa mua gói tăm giá 7 nghìn đồng. Cô bán tăm nói rằng tăm từ thiện mua với giá bao nhiêu là tùy ý. Mua xong cô ấy bảo ký vào một cuốn sách, em thấy trong đó cũng có vài người mua với giá 20 nghìn, 40 nghìn, 50 nghìn rồi 70 nghìn”.

Bác Võ Văn Tĩnh quê Hà Tĩnh đưa cháu đi thi đại học cũng bị cuốn vào việc mua tăm từ thiện. Bác kể lại: “Tôi cũng mua 1 gói tăm. Thế nhưng tôi thấy thái độ bán hàng thật mất lịch sự. Mời như ép, không mua thì bị lườm nguýt”.

Anh Phan Anh Tuấn ở Phú Xuyên, Hà Nội bức xúc kể lại: “Ngày đầu mới lên, tớ cũng đã từng phải mua tăm như thế. Họ cứ dúi vào tay và bắt ký vào danh sách ủng hộ gì đó. Con trai nghĩ cũng ngại nên đưa cho chị ta 10 nghìn, nhưng chị ta nói là phải mua với giá 20 nghìn… Sau này biết là bị lừa nghĩ mà bực. Có khi vừa mất tiền, vừa bị chửi là ngu ấy chứ”.

Cảnh mua bán tăm từ thiện tại đường Nguyễn Trãi
“Đi ra chỗ khác để chị kiếm ăn”


Bám theo những người bán tăm để xem họ tiếp tục dở những thủ đoạn gì, đến đoạn gần trường Học Viện Bưu Chính Viễn Thông (đường Nguyễn Trãi, Hà Đông), rút máy ảnh ra chụp cảnh mua bán “nhân đạo” đó. Chị bán tăm vừa bán xong một gói tăm cho khách từ dịu dàng rồi quay ngoắt sang tôi: “M. (từ ngữ nghĩa không lịch sự, chúng tôi xin viết tắt - Pv) chụp cái gì, một hai nghìn m. chụp cái gì, sao không chụp mấy cái thằng móc túi kia kìa. Tao đập m. máy ra bây giờ”.

Nói đoạn một anh khác cũng từ đâu chạy tới dọa đập máy và sử dụng những câu từ không lịch sự để đuổi người dám xâm phạm “lãnh địa” làm ăn.

Bác Chiến, xe ôm lâu năm tại gần bến xe Hà Đông cho biết: “Mấy người đó đến từ nhiều nơi khác nhau, đi thành từng đoàn. Mùa thi nào cũng mọc ra như nấm. Mời chào, gạ gẫm, bám đuổi… bọn họ toàn là lừa đảo hết thôi”.

Để chứng minh cho điều mình nói, bác Chiến kể lại rất nhiều hành vi mất lịch sự của “đội quân bán tăm dạo”: “Một nhóm có tới 5, 6 người, trai có, gái có, hễ có công an đến là yểm trợ nhau. Hôm trước cả nhóm người đó còn túm vào đánh một cậu thanh niên chụp ảnh chúng”.

Quan sát thì thấy, những người bán hàng kiểu này thường mặc những bộ quần áo như học sinh, sinh viên và đeo theo túi cặp. Họ trộn vào đám đông hoặc ngồi rải rác xung quanh điểm xe buýt và xe khách đón những người nhẹ dạ cả tin để kiếm trác trên lòng từ thiện của họ.

Theo như phản ánh từ các thí sinh, phụ huynh lên Hà Nội dự thi thì tình trạng đó còn có ở rất nhiều bến xe khách, xe buýt khác trong thành phố Hà Nội.

Thiết nghĩ, hành vi này tuy không mới nhưng lại nở rộ trước mùa thi. Hoạt động này không rõ ràng và có dấu hiệu của việc lừa đảo tập thể. Đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp, để yên lòng sĩ tử và người nhà đi thi. Quan trọng hơn không thể để lòng từ thiện tự nhiên của nhiều người bị chà đạp…

Nguyễn Yến