Theo Nghị định số 59/2006/NĐ - CP của Chính phủ, các thiết bị nghe lén thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, do vậy việc bày bán, sử dụng thiết bị này đều vi phạm pháp luật. Thế nhưng, trong vai một người phụ nữ cần theo dõi chồng, PV vẫn mua được thiết bị này dễ như … mua rau ở chợ.
Cần bao nhiêu hàng cũng có
Thử tìm mua thiết bị này, chúng tôi có mặt tại Chợ Giời (Hà Nội) để hỏi mua thiết bị, nhưng hầu hết các cửa hàng đều lắc đầu, xua tay “không có, bán mặt hàng đấy bị cấm”.
Sau cả tiếng lang thang khắp chợ mà không mua được hàng, bác lái xe ôm đầu đường rỉ tai PV “về nhà tìm trên mạng là mua được ngay, giờ ở đây kín lắm vì đang có chiến dịch”.
Có cửa hàng có hẳn trang web chào bán sản phẩm nghe trộm |
Gõ từ khóa “thiết bị nghe trộm” trên trang google, lập tức người nhận được 8.170.000 kết quả về loại thiết bị này ở Việt Nam. Thậm chí, một số trang web có uy tín về mua bán như chodientu, vatgia cũng có đăng những thông tin này.
Nhan nhản trên các trang là những thông tin quảng cáo với nội dung cực kỳ hấp dẫn: “Thiết bị chỉ nhỏ bằng 1/4 bao diêm. Bạn có thể đặt nó ở những nơi bạn muốn biết thông tin như: phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ, xe ôtô, xe máy ... thậm chí bạn có thể “lét lút” đặt trong giỏ xách hoặc cốp xe.
Ứng dụng công nghệ GSM (Sóng điện thoại di động) giúp cho thiết bị có chức năng như một máy thu âm và truyền thông tin đến điện thoại của bạn. Bạn đặt thiết bị ở nơi bạn muốn theo dõi, sau đó gọi vào số thuê bao của chiếc sim mà bạn đã cho vào thiết bị, thiết bị sẽ tự kích hoạt và thu âm thanh xung quanh nơi đặt thiết bị rồi chuyền đến điện thoại của bạn, bạn có thể nghe trực tiếp qua điện thoại của mình”.
Với những lời quảng cáo na ná kiểu này kèm số điện thoại liên lạc trực tiếp, có tên tuổi, địa chỉ cửa hàng rõ ràng, kèm thêm dịch vụ giao hàng tận nơi miễn phí, không ít người đã mua được thiết bị một cách nhanh gọn.
Những lời giới thiệu về thiết bị khá "bùi tai" |
Để thêm phần thuyết phục khách hàng, một số “đại lý” kinh doanh mặt hàng này còn chụp cả ảnh thiết bị so sánh với các vật dụng nhỏ khác như bút bi, bật lửa để chứng minh rằng, thiết bị rất nhỏ gọn và dễ nghe lén.
Đại lý chụp ảnh thiết bị để so sánh về độ nhỏ gọn |
Kiểm tra xem những số điện thoại này có thật hay không, PV có gọi cho một người đàn ông tên H. ở Quảng Ninh và một đại lý khác ở… Thái Nguyên để tìm hàng vì có quảng cáo rằng, hàng luôn sẵn sàng ở Hà Nội, muốn bao nhiêu hàng cũng sẵn sàng có ngay.
Gọi cho 1 cửa hàng khác tại một con phố khu vực Thanh Xuân (Hà Nội) thấy quảng cáo là giao vài chục sản phẩm một lúc, có thể giảm giá nếu lấy đổ buôn và có cửa hàng tại mặt phố nên đảm bảo cho việc sửa sang, bảo hành.
Mua máy nghe trộm như lấy … rau
Vì các nhà phân phối đưa ra quá nhiều quảng cáo nên gần như PV bị lạc vào mê hồn trận với các loại thiết bị nghe trộm. Nhưng tựu chung lại, dù với tên gì, xuất xứ Hồng Kông hay Đài Loan thì các mặt hàng này đều được gắn sim, người dùng chỉ cần gọi vào sim đó là có thể nghe được các âm thanh xung quanh thiết bị từ 15 – 20m.
Giá của các mặt hàng cũng khác nhau. Có nơi chào giá khá rẻ, 650.000đ nhưng không bảo hành. Có nơi lại 'thề thốt' là hàng xịn, hàng công ty (?) nhưng giá lên tới 1.800.000đ. Có cửa hàng lại đảm bảo thiết bị còn có chức năng gọi điện báo lại cho mình nếu bên kia bắt đầu có… tiếng động, nhưng giá lên đến 3.000.000đ.
Sau một hồi thương thảo với một người tên H. ở Quảng Ninh nhưng tự giới thiệu là có cửa hàng ở Hà Nội, PV đến nhà số 3 phố Vĩnh Tuy để lấy hàng.
Tuy nhiên, tìm mỏi mắt không thấy nhà số 3 Vĩnh Tuy với tên cửa hàng đâu, gọi lại cho người này lại được báo đến một công ty vận tải có thêm dịch vụ vận chuyển hàng hóa để nhận hàng.
Người tên H. khẳng định: “Anh buôn bán lâu năm rồi, ngày nào anh chả giao cả vài chục thiết bị lên đây, em cứ giao tiền cho mấy bạn chuyên giao hàng ở đó rồi nếu thiết bị có vấn đề gì thì lại quay lại đó, anh sẽ bảo đổi cho em”.
Cận cảnh thiết bị nghe trộm |
Khi cự nự chuyện tại sao hứa là có cửa hàng đảm bảo, mà lại phải mua theo kiểu nhận hàng chuyển ô tô thế này, thì người tên H. cười hì hì: “Em ơi, giờ bán ở ngoài để anh bị tóm à? Làm thế này là an toàn cho cả anh và em đấy”.
Tại quầy giao nhận hàng của công ty vận tải mà PV được hẹn đến lấy thiết bị, nhân viên tên N., chuyên giao hàng cho H. thành thật quảng cáo: “Ngày nào anh ấy cũng bán được chục thiết bị ở đây, chị cứ yên tâm giao tiền, nếu có gì thì lại lên đây để anh í chuyển cái khác lên đổi lại cho chị. Nhưng em thấy ít người phải đổi lắm”.
Vậy là, chỉ với cú giao tiền chớp nhoáng và 1 chữ ký biên nhận đã nhận hàng, PV đã có trong tay sản phẩm nghe trộm và nếu cần sẽ mua được các loại thiết bị quay trộm, định vị trộm khác ngay khi có nhu cầu.
Điều 125 Bộ Luật Hình sự quy định về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, được quy định cụ thể trong bộ Luật hình sự. Theo đó “1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Trên báo Thanh Niên, ông Trịnh Quang Đức, Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết, trên thị trường Hà Nội mới chỉ phát hiện và thu giữ duy nhất một trường hợp buôn bán thiết bị nghe lén vào giữa năm 2009, tại huyện Từ Liêm. Còn từ thời điểm đó cho tới nay không phát hiện thêm bất kỳ trường hợp nào (?). |
- Hải Bình