Từng bước hình thành một số cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin
Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều thuận lợi thu hút đầu tư. Tỉnh còn quỹ đất dồi dào, chủ yếu là đất công, dễ xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp.
Với định hướng phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, Bình Phước có thể thực hiện chính sách đi tắt, đón đầu, chọn lọc và tiếp nhận các làn sóng dịch chuyển đầu tư, phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững, giá trị gia tăng cao và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh riêng có.
Để phát triển ngành công nghiệp CNC với hiệu quả cao nhất, tỉnh Bình Phước đã ban hành Đề án “Phát triển công nghiệp CNC tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, đến năm 2025, Bình Phước sẽ từng bước hình thành một số cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh như sản xuất phần mềm, tích hợp hệ thống, sản xuất các thiết bị công nghệ thông tin trên địa bàn. Đến 2030, phát triển ngành công nghệ thông tin trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNC, công nghệ tiên tiến thuộc một số lĩnh vực vào hoạt động sản xuất như công nghệ sinh học (ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, y - dược, bảo vệ môi trường, bảo quản thực phẩm...), công nghệ vật liệu mới (ứng dụng vật liệu nano trong nông nghiệp, xử lý môi trường...).
Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư
Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, tỉnh đã thu hút được 16 dự án FDI với số vốn 632 triệu USD, tăng hơn 12 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 200% kế hoạch cả năm 2023. Theo UBND tỉnh Bình Phước, đến thời điểm hiện nay tỉnh đã thu hút được 378 dự án FDI với tổng số vốn hơn 4 tỷ USD.
Nhờ chủ động chuẩn bị sẵn hạ tầng công nghiệp, hệ thống giao thông kết nối, cùng với việc thực hiện linh hoạt các chương trình xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế của địa phương, đã giúp Bình Phước tạo “đột phá” này.
Bình Phước đang có 366 công ty đang hoạt động tại các khu kinh tế, các cụm và khu công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, có 15 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 13 KCN với diện tích 6.065 ha, đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68%.
Nhằm tạo động lực cho địa phương có điều kiện phát triển và đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển 8.290 ha đất khu công nghiệp, 25.864 ha đất khu kinh tế và 730 ha đất cụm công nghiệp. Đến 2030 sẽ phát triển thêm lần lượt là 11.522 ha, 25.864 ha và 1.279 ha.
Bên cạnh đó tỉnh cũng chú trọng thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng, trong đó trọng tâm là cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); đường Đồng Phú - Bình Dương…
Lọt Top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất nước trong 6 tháng đầu năm 2023 là minh chứng sống động cho thấy, các cấp lãnh tỉnh luôn đồng hành với nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng thiết yếu, thực hiện các thủ tục pháp lý và đảm bảo an ninh trật tự để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Phước Long