Người đàn ông chạy xe máy ngược chiều trên đường vành đai 2 (Hà Nội) tối 14/2 bị xe ô tô 16 chỗ tông trúng chết tại chỗ.

Công an quận Ba Đình xác định nguyên nhân vụ tại nạn là do nạn nhân không chấp hành báo hiệu đường bộ, đi xe máy ngược chiều.

Đi xe máy ngược chiều gây tai nạn, chết rồi vẫn phải bồi thường - 1

Hiện trường vụ tai nạn.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, đi đúng phần đường là một trong những quy tắc giao thông hàng đầu được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Tại Khoản 1, Điều 9 và Khoản 1, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải đi đúng phần đường, làn đường quy định; phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

Tuy nhiên, theo luật sư, có một bộ phận không nhỏ những trường hợp người tham gia giao thông đi ngược chiều, đi không đúng phần đường quy định. Ý thức của người tham gia giao thông là phần lớn. Người lái xe coi thường luật pháp, coi thường người tham gia giao thông khác và thậm chí coi thường ngay cả tính mạng của mình.

Người vi phạm chỉ biết cho tiện bản thân họ mà không biết rủi ro mang đến hậu quả rất nghiêm trọng.

{keywords}

Luật sư Diệp Năng Bình

 

Trường hợp này người gây ra tai nạn đã chết nên nếu người đó có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.

 

“Trong trường hợp này đã gây ra tai nạn thì cần phải xem xét có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án theo Điều 260 Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hay không?

Tuy nhiên do người duy nhất thực hiện hành vi đã chết nên theo quy định tại Điều 157 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án.

Về trách nhiệm dân sự, nếu người phạm tội còn sống, người đó có nghĩa vụ bồi thường mọi tổn thất do hành vi của mình gây ra như chi phí hư tổn xe, chi phí những ngày xe không hoạt động phải thay thế xe khác...

Trường hợp này người gây ra tai nạn đã chết nên nếu người đó có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường”, luật sư Bình nói.

Theo luật sư Bình, Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: “Những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Do đó, nếu người gây ra thiệt hại đã chết thì trách nhiệm bồi thường sẽ do những người thừa kế của người đó thực hiện.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ tốc độ, khả năng quan sát và việc xử lý tình huống của người lái xe ô tô.

Trong trường hợp người lái xe ô tô đi quá tốc độ, không chú ý quan sát dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì người lái xe ô tô vẫn bị xem xét trách nhiệm pháp lý, trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trường hợp người lái xe ô tô không có lỗi, lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự, đồng thời người lái xe ô tô sẽ không phải bồi thường thiệt hại.

Đi xe máy ngược chiều gây tai nạn, chết rồi vẫn phải bồi thường - 3

Chiếc xe máy đi ngược chiều bị ô tô tông trúng.

“Trường hợp người lái ô tô không có lỗi (chạy đúng phần đường, đúng làn đường, đúng tốc độ, có chú ý quan sát), khi phát hiện ra xe máy đi ngược chiều người này đã xử lý tình huống như phanh, sử dụng còi, đèn... để cảnh báo, tuy nhiên do xe mô tô chạy ngược chiều đi quá nhanh nên đâm trực diện vào xe ô tô.

Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi có lỗi và gây thiệt hại”, luật sư Cường nói. 

Theo luật sư Đăng Văn Cường, trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân thì vấn đề bồi dưỡng thiệt hại sẽ không được đặt ra.

Nguyên tắc này được quy định từ điều 548 đến Điều 587 Bộ luật Dân sự. Theo quy định tại điều 548 và điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trong vụ án tai nạn giao thông, nếu lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân thì vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ không được đặt ra.

Luật sư Cường chia sẻ, thời gian gần đây không ít những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra khi phương tiện đi ngược chiều vào đường một chiều hoặc đi vào đường cao tốc.

Hành vi đi vào đường cấm, đi ngược chiều trên đường một chiều, đi xe máy, xe thô sơ vào đường cao tốc... là rất nguy hiểm, thể hiện ý thức chấp hành luật lệ giao thông rất kém và gây nguy hiểm cho người khác. Bởi vậy gần đây khi sửa đổi Nghị định số 100/2019 Chính phủ đã nâng mức xử phạt của hành vi này, có thể lên đến 18.000.000 đồng.

“Ngoài việc nâng mức chế tài thì chúng ta cũng cần phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, giảm bớt những vụ án đau lòng như vậy xảy ra”, luật sư Cường nói.

Mẹ chở con ngược chiều trên cao tốc, xe CSGT vội chạy lùi hụ còi gọi

Mẹ chở con ngược chiều trên cao tốc, xe CSGT vội chạy lùi hụ còi gọi

 Người phụ nữ chở con nhỏ chạy xe máy ngược chiều trên cao tốc Trung Lương, xe CSGT đang chạy trên đường phát hiện vội chạy lùi khẩn cấp và phát loa thông báo nguy hiểm.

Theo VTC News