- "Cái chuyện hay hoặc dở thì không phải công chúng không biết mà ngay cả chính những người làm phim và phê bình phim chuyên nghiệp cũng khó nhìn ra".
LTS: Công tác phê bình 1 số lĩnh vực như văn học, âm nhạc, điện ảnh trên báo chí
hiện nay được đánh giá là vừa thiếu lại vừa yếu.
Đây cũng là lý do
thiếu vắng những bài viết phê bình thực sự trên báo chí khiến công chúng thiếu
định hướng thẩm mỹ và không phân biệt được cái hay cái dở, từ đó không tự chọn
được cho mình những tác phẩm thực sự có chất lượng.
Từ thực tế này, Vietnamnet
thực hiện tiếp các bài viết liên quan đến công tác phê bình văn học và điện ảnh
trên báo chí tiếp sau loạt bài về âm nhạc.
Với phim ảnh, một lĩnh vực nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn nhà biên kịch Đoàn Tuấn, giảng viên khoa Nghệ thuật điện ảnh - ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ông đã nhiều lần ngồi ở vị trí giám khảo Công trình Lý luận phê bình của giải Cánh diều và cũng là nhà báo viết phê bình phim có tiếng.
“Nàng men chàng bóng”, bộ phim được báo chí phong là "thảm họa chúa" của điện ảnh Việt. Ngay khi ra mắt, “Nàng men chàng bóng” đã phải hứng rất nhiều bài phê bình nặng nề trên báo. |
- Theo ông, chuyện khán giả
xem phim hiện nay không biết thế nào là hay là dở, thiếu định hướng, dẫn đến
thẩm mỹ lệch lạc có lỗi của giới phê bình điện ảnh và truyền thông hay không?
- Chuyện phim hay hoặc phim dở mà khán giả vẫn xem thì không phải lỗi ở khán
giả. Nhiều phim mà các nhà phê bình điện ảnh đánh giá cao, nhưng khi ra rạp,
người xem lại thờ ơ hoặc ngược lại. Các chuyên gia điện ảnh gọi đó là "sự bí ẩn
của từng bộ phim''.
Còn bạn đề cập đến ''lỗi
của giới phê bình và truyền thông'' thì tôi xin tách nó ra thành hai vế. Về giới
phê bình phim, chúng ta có tên gọi chứ hiện nay những người này làm nghề ở nước
ta rất hiếm. Còn về giới truyền thông của chúng ta có rất nhiều. Song có điều
đáng buồn là, tuy nhiều nhưng không mạnh. Bạn thử gõ một tên phim nào đó trên Google, ngay lập tức, có hàng trăm kết quả, nhưng thật đáng tiếc, những kết quả
này đa số đều copy của nhau.
Trở lại câu hỏi của bạn, công chúng có cần định hướng không? Chúng ta nên hỏi:
''định hướng là thế nào?'' Định mua một cuốn sách hay xem một bộ phim có thể nhờ
vào việc quảng cáo sách này, phim này. Đương nhiên, những công chúng trưởng
thành sẽ có sự lựa chọn của họ. Còn những người làm phê bình hay truyền thông,
họ phải làm tốt công việc của mình. Quy ra lỗi của ai là chuyện rất phức tạp và
có thể không xác đáng.
Vấn đề nan giải
- Ngoài 1 số bài báo phê bình điện ảnh hiếm hoi
trên các tạp chí chuyên sâu về phim ảnh thì các dạng bài này hoàn toàn vắng bóng
trên các trang báo, những cây viết chuyên về phê bình điện ảnh cũng không có
nhiều. Tại sao vậy? chính đội ngũ phê bình phim ảnh trên báo chí cũng thiếu, các
tờ báo không cần họ hay chính công chúng cũng không cần những người này?
- Đây là vấn đề nan giải. Do đặc thù công việc của nghề báo nên không phải ai học nghề phê bình điện ảnh, khi ra trường, cũng đều có thể viết báo được.
Thứ hai là có nhiều bạn học phê bình, muốn ra làm nghề ngay nhưng không tìm được chỗ đứng của mình trong các tờ báo. Ai nhường chỗ cho họ? Hoặc họ có đủ phẩm chất và sản phẩm để chứng minh mình có thể làm được việc này chưa?
Thứ ba là, liệu những điều bài bản mà họ học được trong nhà trường, khi hành nghề có thích hợp với tờ báo đó không? Tôi nhớ trước đây ở Dự án Điện ảnh do Quỹ Ford kết hợp với Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn có mở lớp đào tạo những nhà phê bình, nghiên cứu phim. Trong lớp có một bạn đang làm trang văn hóa của một tờ báo theo học.
Theo Giáo trình của Dự án, các sinh viên phải viết những bài Điểm phim hoặc Giới thiệu phim theo đúng tiêu chí của thể loại. Nhưng bạn này không thích viết theo tiêu chí đó. Bạn ấy nói rằng, mình vẫn viết bình thường như viết cho báo của bạn ấy. Người đọc vẫn hiểu được, sếp có ý kiến gì đâu, tại sao phải thay đổi theo tiêu chí này, tiêu chí nọ?
Những người phụ trách Dự án đã
gặp gỡ nhà báo này nhiều lần, đưa ra nhiều lý lẽ, rằng một bài Điểm phim hay
Giới thiệu phim phải đảm bảo những yếu tố nào của quốc tế... Bạn này vẫn không
chấp nhận. Cuối cùng, Dự án buộc phải cho bạn ấy nghỉ học. Và bạn ấy vẫn làm
công tác điểm phim hay giới thiệu phim ở tờ báo của mình một cách bình thường.
Tôi kể câu chuyện này để muốn nhấn mạnh một điều là: làm thế nào đó, những người
có liên quan phải có sự điều chỉnh để có thể chấp nhận nhau. Nếu cả hai bên cùng
nói ''không'' thì tự mình đóng cánh cửa lại với chính mình. Còn chuyện cần nhau
hay không thì ý nghĩa của nó nhỏ lắm.
“Hello cô Ba” – phim chiếu Tết thành công ngoài phòng vé nhờ
phong cách hài nhảm. |
- Dễ nhận thấy một điểm chung giữa các bài báo viết về phim ảnh hiện nay là hầu hết chỉ mang tính "điểm phim" hoặc chỉ khai thác chuyện ngôi sao hay scandal này nọ của diễn viên. Trong khi đó, những bài viết nghiêm túc nhận xét về giá trị nghệ thuật của bộ phim, thậm chí là những điểm chưa được của phim thì gần như không có. Những người viết ítkiến thức về phim ảnh, các bài viết thiếu tính chỉ dẫn và định hướng cho công chúng phải chăng là nguyên nhân dẫn đến việc công chúng hiện nay mất phương hướng, không biết thế nào là phim hay phim dở và không tự chủ động chọn cho mình những bộ phim có chất lượng?
- Như tôi đã nói ở trên, trong tình hình hiện nay những cái gì nghiêm túc rất khó tìm được đất sống. Viết một bài phê bình hay nghiên cứu phim phải lao tâm khổ tứ cả tháng hay cả năm trời. Kiếm được chỗ đăng, tìm được một Biên tập viên có trình độ, chia sẻ với những quan điểm của mình đâu phải dễ. Đặc biệt, nhuận bút nào có được bao nhiêu! Và những tạp chí này đâu có phát hành cho số đông. Hơn nữa, những bài viết này rất khó tìm được bạn đọc. Nguyên nhân vì đâu? Tôi xin kính chuyển câu hỏi này lên trên.
Kiểu tư duy tất cả đổ lỗi
cho dân trí là cũ nhất
- Không ít người cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện trạng loạn thị hiếu của đa số khán giả hiện nay ngoài sự thờ ơ và thiếu vắng của một lực lượng phê bình thực sự còn là do sự vô cảm của chính những nhà sản xuất phim khi họ bất chấp nghệ thuật và tự trọng để cho ra những bộ phim chất lượng dưới trung bình cốt chỉ để bán vé và thu lợi nhuận. Ông nghĩ sao?
- Trong thực trạng văn hóa nước ta hiện nay, công chúng còn quá ít sự lựa chọn. Thử tính xem, một thành phố có khoảng 5 triệu dân, có bao nhiêu rạp chiếu phim, nhà hát, phòng hòa nhạc hay những tụ điểm vui chơi... hoạt động? Ngoài ra, Nhà nước có sản xuất ra đủ các sản phẩm văn hóa phục vụ cho nhu cầu giải trí của công chúng chưa?
Các Hãng phim tư nhân làm phim
theo kiểu của họ, miễn sao thu hồi được vốn và có lãi. Họ có vi phạm luật pháp
đâu. Công chúng mới đi xem phim của họ rộ lên vào dịp lễ, Tết... đã bị phê phán
là ''dân trí thấp''. Tại sao Nhà nước không làm ra những sản phẩm tốt hơn, hay
hơn để kéo dân trí công chúng lên? Tôi nhận thấy cái kiểu tư duy tất cả đổ lỗi
cho dân trí là cũ nhất và dễ nhất, đồng thời cũng mơ hồ nhất.
Tôi làm công tác giảng dạy về phim đã nhiều năm, xin nói thật là, cái chuyện hay
hoặc dở thì không phải công chúng không biết mà ngay cả chính những người làm
phim và phê bình phim chuyên nghiệp cũng khó nhìn ra. Bằng chứng là nhiều phim
của chúng ta nhận hết giải Cánh Diều Vàng sang Bông Sen Vàng, nhưng khi chiếu
cho sinh viên xem, tôi vẫn nhận ra rất nhiều lỗi, thậm chí có những lỗi rất sơ
đẳng.
Trong khi đó, hàng năm, tôi được xem khoảng gần 100 phim của sinh viên nước ngoài, những phim tốt, tôi ít nhận ra những lỗi, dù nhỏ của họ. Nói chung là chúng ta làm phim còn cẩu thả lắm!. Ông Vương Trí Nhàn có biên soạn cuốn sách nói về những tính xấu của người Việt, song chưa dề cập đến vấn đề tính xấu nào phải sửa trước tiên. Một người bạn của tôi góp ý, đó là tính cẩu thả. Xin lỗi, tôi đi hơi xa câu hỏi, song chung quy lại, phim dở nhiều hoặc dở ít đều do đó mà ra.
Hạnh Phương