- Một nghiên cứu độc lập được tiến hành bởi các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, việc lựa chọn địa điểm xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2 có thể “có vấn đề” bởi nó nằm trong vùng phạm vi ảnh hưởng của đứt gãy hoạt động cấp 2 và đập nằm trên nền cấu tạo địa chất rất yếu.
Sai lầm khi chọn địa điểm?
GS Cao Đình Triều tại buổi công bố kết quả nghiên cứu của đề án. |
Đề án “Đánh giá tình hình động đất khvu vực công trình Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST 2) và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại” do VUSTA thực hiện vừa được công bố ngày hôm qua, 3/10 tại Hà Nội.
PGS. TS Cao Đình Triều, chủ nhiệm đề án cho biết, TĐST 2 nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy cấp II vì vậy động đất xảy ra ở đây sẽ tác động trực tiếp tới vùng hồ và đập thủy điện. Nghiên cứu của đề án cho thấy, có tới 12 đứt gãy hoạt động trong khu vực xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2.
Đáng lưu ý nhất là đứt gãy Trà My rất phức tạp, có bề rộng 10-30km và dài 6-7km. Đứt gãy này được nhận định đi qua khu vực đập thủy điện Sông Tranh.
“Điều tối kỵ là không được xây dựng đập thủy điện trên đứt gãy đang hoạt động. Khi đứt gãy hoạt động, đập có thể dâng lên tụt xuống, dẫn đến phân dị và gãy ra làm đôi”, PGS.TSKH Phạn Văn Quýnh (Đại học Quốc gia Hà Nội), ủy viên hội đồng khoa học đánh giá kết quả thực hiện đề án trên, cho hay.
Ngoài ra, khu vực xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên nền cấu tạo địa chất là đá granite bị phong hóa mạnh với nền địa chất rất yếu. Theo PGS. Cao Đình Triều, nền đá granite ở đây bị cà vá, dập vỡ mạnh, gây nguy cơ trượt lở, tai biến sạt đất, lấp lòng hồ, chặn dòng chảy, và có thể ảnh hưởng cả các công trình dân sinh.
Đồng tình với ông Triều, ông Quýnh cho rằng, đập Sông Tranh 2 nằm trên nền đá granite là rất nguy hiểm. Đá granite rất cứng nhưng khi gặp nước lại mềm đi nhiều, khiến nền móng đập trở nên yếu.
“Trong quá trình tích nước, các đới đứt gãy nhỏ hoạt động tạo điều kiện cho nước thấm vào nền đá, làm đá bị phong hóa, mềm đi và gây nguy cơ trơn trượt mạnh”, ông Quýnh nói.
Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Cty CP tư vấn Xây dựng Điện 1, đơn vị tư vấn thiết kế công trình thủy điện Sông Tranh 2, cho biết đúng là đập thủy điện sông Tranh 2 được xây dựng trên nền đá granite song không có chuyện nền đá yếu gây nguy hiểm cho đập.
EVN đã khảo sát nghiên cứu địa chất kỹ lưỡng rồi mới chọn địa điểm xây dựng. Đá granite khi gặp nước sẽ bị phong hóa và mềm đi song quá trình ấy kéo dài cả nghìn năm. Đau đầu nhất hiện nay, vẫn theo ông Sơn, là động đất kích thích.
Động đất trong lòng hồ có thể mạnh 6 độ Ricter
Đập thủy điện sông Tranh 2. |
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, động đất kích thích xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2 có những điểm rất đặc biệt như động đất xảy ra tại vùng mà trước đó chưa bao giờ xuất hiện động đất, đều là động đất hồ chứa phản ứng nhanh và đều có biểu hiện hoạt động dồn dập, theo từng đợt, đợt sau có xu thế tăng về tần suất lặp lại và cấp độ mạnh.
Cũng theo các nghiên cứu, động đất cực đại có thể xảy ra trong khu vực hồ chứa TĐST 2 và kế cận có thể đạt cấp độ mạnh cỡ 6,0 độ richter và với độ sâu chấn tiêu cao nhất là 15km.
Theo dự báo, độ mạnh của động đất tại khu vực lòng hồ cụ thể là: Tại trung tâm của lòng hồ là 5,9 độ richter, độ sâu chấn tiêu (h) không vượt quá 15 km. Tại khu vực đập chính và vùng hạ lưu là 6,1 độ richter, (h=15 km).
Ngoài ra, khi hồ chứa TĐST 2 được tích nước, tải trọng nước trong hồ sẽ làm gia tăng trường ứng suất của đất đá trong khu vực hồ chứa. Hiện tượng thẩm thấu nước xuống độ sâu làm thay đổi ứng suất lỗ rỗng, giảm ma sát các mặt trượt, tạo điều kiện thuận lợi cho phát sinh động đất kích thích. Khả năng xảy ra động đất kích thích tại khu vực lòng hồ TĐST 2 có thể đạt cấp độ mạnh tối đa 5,5- 6,0 độ richter.
Tuy nhiên, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam lại cho rằng, trong thực tiễn các chấn tiêu động đất ở Việt Nam thường nằm ở độ sâu trong khoảng 14 km đến 28 km. Vì vậy “động đất cực đại có thể xảy ra trong phạm vi lòng hồ là một kết luận hết sức cần phải cân nhắc”, GS Hồng nói.
Ông Hồng kiến nghị phải mời các nhà khoa học kết hợp lại để xây dựng ra tiêu chuẩn về động đất kích thích và thử nghiệm một thời gian để rút ra kinh nghiệm. Thực tế cho thấy đã đến lúc cần phải mời các giáo sư, nhà khoa học nước ngoài vào đánh giá lại tình hình động đất ở Sông Tranh 2.
Trước thông tin đề án “Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST 2) và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại” do VUSTA thực hiện, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC), lãnh đạo Viện không biết và cũng không được mời nghe báo cáo về nghiên cứu này.
Lê Văn (Tổng hợp)