Đưa con gái 12 tháng tuổi đến trạm y tế phường An Lạc (quận Bình Tân) từ 7h30 để tiêm ngừa sởi, chị L.An (38 tuổi, quê Vĩnh Long) cho biết, trước đây khi vợ chồng còn trọ ở huyện Bình Chánh, mỗi lần đi tiêm ngừa cho con, chị đều phải tiêm dịch vụ, do bé không nằm trong danh sách quản lý của trạm y tế.

W-z5784313528916_a2deba16565484a931a33828694c3c2d.jpg
Nhân viên trạm y tế phường An Lạc đang kiểm tra sổ tiêm chủng của trẻ đến chích ngừa. Ảnh: Bạch Dương

“Tôi rất bất ngờ khi thấy tổ trưởng dân phố vào hỏi tình hình bé, hỏi sổ chích ngừa rồi thông báo sáng nay cho con ra trạm y tế chích sởi miễn phí. Cháu đã chích 1 mũi hồi 9 tháng, bây giờ chích mũi 2. Đây là lần đầu tiên con tôi được chích ngừa miễn phí” – chị An chia sẻ.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, trong sáng nay, 10 trạm y tế trên địa bàn quận đều đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi, mỗi buổi tại các trạm y tế sẽ tiêm khoảng 30 - 60 bé và tiêm xuyên suốt trong thời gian nghỉ lễ. Toàn quận có khoảng 3.000 trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi.

W-z5784309417835_9ae5664ffe650bc90d1b5e25fc2e6a64.jpg
Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu (ngoài cùng bên phải) hỏi thăm trẻ trước khi tiêm ngừa. Ảnh: Bạch Dương

Số ca mắc sởi trên địa bàn quận tập trung chủ yếu ở các khu nhà trọ, trong đó có khoảng 10 trẻ dưới 9 tháng tuổi. Do tình trạng di biến động dân cư rất lớn, nên việc rà soát trẻ trong độ tuổi tiêm chủng gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi thường xuyên đến các khu trọ nhưng chỉ 1-2 tháng họ đã thay đổi chỗ ở, vì thế việc rà soát phải tiến hành thường xuyên để không bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng” – bà Dung nói.

W-z5784309705842_f03c42511bc7e77f6f72953f382a8d27.jpg
Con gái chị An không có đăng ký thường trú hay tạm trú tại phường An Lạc vẫn được mời ra tiêm trong sáng nay. Ảnh: Bạch Dương

Trực tiếp kiểm tra công tác tiêm chủng tại trạm y tế phường An Lạc sáng nay, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, chiến dịch tiêm vắc xin sởi toàn thành phố nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng. Khi tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 95% sẽ tạo được miễn dịch, bảo vệ cho những đối tượng không được tiêm và nhóm mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch không thể tiêm vắc xin.

“Sở Y tế đã yêu cầu các quận huyện phải lập danh sách tất cả các trẻ có mặt trên địa bàn, bất kể thường trú hay tạm trú để đảm bảo ít nhất trẻ phải được tiêm 1 mũi” – ông Châu nói.

W-z5784311194020_3aaaa7c89777718e3120b0a59dd690cf.jpg
30.000 liều vắc xin sởi - rubella đã có mặt tại TPHCM để triển khai chiến dịch tiêm chủng trên toàn thành phố. Ảnh: Bạch Dương

Theo ông Vĩnh Châu, tỷ lệ bao phủ vắc xin ngừa sởi dưới 95% do đứt gãy nguồn cung ứng thuốc và gián đoạn tiêm chủng trong thời gian dịch Covid-19. Ngoài ra còn gần 20% trẻ trên địa bàn TP nhưng có địa chỉ tỉnh khác, trạm y tế không biết để mời tiêm, đã góp phần làm giảm tỷ lệ bao phủ vắc xin trên địa bàn.

Còn theo Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Nguyễn Vũ Thượng, số ca mắc sởi cao nhất tập trung ở các quận, huyện vùng ven như huyện Bình Chánh với gần 120 ca, quận Bình Tân có gần 100 ca và huyện Hóc Môn gần 30 ca. 

Do vậy, cần phối hợp với các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các quận huyện vùng ven, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đưa con đi tiêm vắc xin.

"Thành phố đang tập trung toàn bộ nguồn lực để tiêm vắc xin sởi. Hiện Viện Pasteur TPHCM cũng đã kích hoạt trung tâm đáp ứng khẩn cấp để đánh giá mức độ đáp ứng và bao phủ vắc xin" - ông Thượng nhấn mạnh.

Ngày 30/8, 30.000 liều vắc xin sởi – rubella đã về đến thành phố, được phân phối ngay cho các trạm y tế để bắt đầu chiến dịch tiêm đồng loạt vào sáng 31/8.
Lo ngại bệnh viện TPHCM thành ‘trung tâm phân phối sởi’

Lo ngại bệnh viện TPHCM thành ‘trung tâm phân phối sởi’

Gánh nặng hiện nay của các bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối ở TPHCM là số lượng bệnh nhân chuyển tuyến tăng cao. Các bệnh nhi nặng vô tình có thể mang theo mầm bệnh khi trở lại tỉnh, khiến bệnh viện tuyến cuối trở thành ‘trung tâm phân phối sởi’.