Mới đây, UBND TP Hà Nội kêu gọi người dân trong địa bàn chấm dứt ăn thịt chó, mèo và động vật hoang dã để phòng COVID-19.
“Hiện nay có người đi tận sang Lào, Campuchia mua chó, mèo. Đây hoàn toàn có thể là nguồn lây nhiễm vào TP. Tôi kêu gọi cộng đồng chấm dứt ăn thịt chó, động vật hoang dã” - Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.
Lời kêu gọi này được nhiều người hưởng ứng. Còn ở TP.HCM thì sao?
Ủng hộ
Là một người mê món thịt chó gần 10 năm, ông T. (quận Tân Bình, TP.HCM) hầu như tuần nào cũng rủ vài bạn thân tới quán thịt chó gần nhà nhâm nhi. Thế nhưng gần tháng nay, vợ con và bạn bè ngạc nhiên khi thấy ông T. không đụng miếng thịt chó nào. Thậm chí ông còn thẳng thừng từ chối khi bạn bè rủ tới quán “cầy tơ 7 món”.
“Đọc báo thấy thịt chó mang nhiều tiềm ẩn gây bệnh nên tôi sợ. Với lại đang mùa dịch COVID-19, tụ tập nhậu nhẹt ngoài quán dễ có nguy cơ lây bệnh nên việc ngưng ăn thịt chó là điều nên làm” - ông T. nói.
Tương tự, ông M. (huyện Hóc Môn, TP.HCM) xem thịt chó là món khoái khẩu đã nhiều năm. Tuy nhiên, sau lần đau bụng, ói mửa do ăn thịt chó cách đây hơn tháng trong quán, ông M. tuyên bố bỏ hẳn món này.
Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết trên địa bàn phường hiện chỉ còn một quán nhậu thịt chó.
Việc giết mổ chó không đảm bảo vệ sinh nên ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người sử dụng. Ảnh: BAN ATTP |
“Sau khi TP.HCM liên tiếp ghi nhận những ca COVID-19, số người tới quán nhậu thịt chó ngày càng ít. Trước đây, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM khuyến cáo người dân không ăn thịt chó để tránh nguy cơ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh. Nay đang mùa dịch COVID-19, việc tụ tập trong quán nhậu nói chung và quán thịt chó nói riêng là điều nên hạn chế để phòng lây nhiễm dịch bệnh” - ông Tuấn nêu quan điểm.
“Thịt chó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người. Hơn nữa, hiện dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng gia tăng. Trên địa bàn phường hiện chỉ còn hai quán nhậu thịt chó, so với 10 quán trước đây. Đang trong mùa dịch COVID-19 nên quán vắng so với trước” - ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM, nói.
Hạn chế tụ tập trong quán nhậu
Năm 2019, Ban quản lý ATTP TP.HCM từng khuyến cáo không ăn thịt chó. Theo ban này, ăn thịt chó tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do quá trình nuôi, giết mổ không được cơ quan nhà nước kiểm dịch, kiểm soát. Ăn thịt chó không an toàn, dễ có nguy cơ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt virus gây bệnh dại.
Sử dụng thịt chó không đảm bảo chất lượng còn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt, trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, kể cả não và mắt.
Trao đổi thêm, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho biết thịt chó, mèo không được kiểm soát theo những tiêu chuẩn thực phẩm nên không an toàn khi sử dụng. “Động vật hoang dã cũng mang nhiều mầm bệnh tiềm ẩn, do vậy không nên dùng” - bà Lan nói.
Theo bà Lan, dịch COVID-19 đang lan rộng nên ngành y tế khuyến cáo hạn chế tới nơi đông người. “Trong thời điểm này, hạn chế tụ tập bạn bè vô quán nhậu, kể cả quán thịt chó là điều nên làm” - bà Lan nói thêm.
Đồng quan điểm trên, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM, cho biết thêm chó mèo, động vật hoang dã không dùng làm thực phẩm cho người nên không được kiểm soát trong quá trình nuôi. “Những động vật nói trên ít nhiều mang virus gây bệnh và dễ nhiễm qua người. Do vậy không nên dùng làm thực phẩm” - BS Diệp cho biết thêm.
Từ đầu mùa dịch COVID-19, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo số 88 về phòng, chống dịch COVID-19. Tại thông báo, UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn thịt chó, mèo để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Mới đây, tại cuộc họp phòng, chống dịch COVID-19 ngày 16-3, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh lại yêu cầu trên. Trước đó, TP Thâm Quyến ở Trung Quốc cũng ban hành một quy định cấm ăn thịt chó, mèo nhằm cấm hoàn toàn việc tiêu thụ động vật hoang dã trên cả nước sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện chưa có nghiên cứu chính thức về chó, mèo có phải là nguồn lây nhiễm virus hay không. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)