- Dịch chân tay miệng diễn biến khó lường, vì thế nhiều ông bố bà mẹ sợ cho con đi học sẽ lây lan nên bằng mọi giá cho con nghỉ học. Cũng vì thế mà có lắm chuyện bi hài xảy ra.

TIN BÀI KHÁC
Bi kịch 2 anh em cùng yêu 1 người đàn bà
Trúng độc đắc 1,5 tỷ đồng nhưng không được trả
Cảnh cáo 2 cán bộ VKS ăn nhậu trên sông
Vụ thảm sát tiệm vàng: Sự sống trở lại từ tàn tro
Hướng dẫn cách truy cập vào VietNamNet
Thắt tín dụng, 4.700 "ông chủ" biến mất?
Ford Việt Nam bán linh kiện ôtô rẻ như cho

Chị Minh (Kim Giang, Hà Nội) mấy ngày nay cứ như "ngồi trên đống lửa", ngồi ở cơ quan làm việc nhưng tâm trí chị luôn nghĩ về đứa con 3 tuổi đang ở nhà với chồng.

Lo nơm nớp bé Bống (3 tuổi) đi lớp sẽ bị lây dịch tay chân miệng nên vợ chồng chị Minh quyết định một trong hai sẽ phải ở nhà trông "mầm non tương lai". Sau khi bàn đi tính lại, chỉ có Hoàng (chồng chị) ở nhà trông con là hợp lý, bởi anh làm ở xưởng mộc, công việc không nhàn nhưng cũng không bận rộn lắm. Còn chị làm kế toán cho một công ty TNHH, rất khó sắp xếp việc để nghỉ, với lại theo chị, thời gian này công ty chị đang rất bận.

Ban đầu, chồng chị nhất định không nghe, bởi từ "cha sinh mẹ đẻ" anh chưa từng đụng tay đụng chân làm công việc gia đình. Rất quý và yêu con nhưng chỉ chơi với con được một lúc chứ trông cả ngày chắc anh "tẩu hỏa nhập ma". Rồi anh tự ái cho rằng, vợ nghĩ là anh kiếm tiền kém hơn mình nên mới bắt anh ở nhà, chị chỉ quần là áo lượt đến cơ quan chơi là chính chứ bận rộn gì. 

 
Tìm người trông con khi ở nhà "lánh nạn" dịch tay chân miệng là cả vấn đề với những cặp vợ chồng trẻ (Ảnh minh họa: Getty)

Vợ chồng chị Minh tự nhiên như "mặt trăng, mặt trời". Cho con đi học thì thôi chứ về đến nhà, chị Minh lại đay nghiến chồng: "Con cái là của để dành, kiếm bội tiền mà con có mệnh hệ nào thì cũng đổ xuống sông xuống biển hết". Ngẫm nghĩ mãi, cuối cùng vì thương con, nhường vợ, anh Hoàng đành nhận làm "người vợ của gia đình" tạm thời trong lúc bệnh tay chân miệng đang hoành hành.

Nhưng, ở nhà trông một đứa bé mới 3 tuổi, ngày 3 bữa cháo, 3 lần uống sữa, rồi sữa chua, hoa quả phải cho Bống ăn cho đủ chất khiến anh mệt nhoài và sinh ra cáu bẳn. Khi chị Minh gợi ý muốn "gần gũi" chồng thì anh gạt phăng, quay lưng làm mặt lạnh. Hiện vợ chồng chị vẫn trong tình trạng này và có lẽ nó chỉ chấm dứt khi dịch tay chân miệng kết thúc.

Trường hợp của chị Nhi (Phúc Xá, Hà Nội) lại khốn khổ hơn nhiều khi có sự "giúp sức" của mẹ chồng. Số là khi dịch tay chân miệng lan rộng, vợ chồng chị quyết định cho cậu con trai (5 tuổi) nghỉ học. Hoàn cảnh gia đình không được khá giả lắm, cả hai phải cùng đi làm mới đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Lấy nhau được 6 năm vợ chồng chị mới sinh được cu Bin nên chị càng lo sợ con bị lây bệnh chân tay miệng. Vợ chồng chị bèn "huy động" bố mẹ chồng ở quê lên trông cháu.

Tưởng có mẹ chồng giúp sức, chị Nhi đi làm sẽ vô cùng yên tâm. Ấy vậy mà khi đi làm, cứ nửa tiếng, mẹ chồng chị lại gọi điện cho chị một lần. "Con ơi, Bin không chịu ăn, nó sốt hay sao ấy, con về xem thế nào, biểu hiện của trẻ bị nhiễm chân tay miệng ban đầu là sốt đấy..." những câu như thế cứ tiếp diễn hàng ngày. Đến ngày thứ ba, chị không thể chịu nổi khi mẹ chồng chị gọi điện cho chị và quát ầm lên, bắt chị phải về cho cu Bin đi xét nghiệm máu nếu không bà sẽ "trả về địa phương". Trút hết mọi bực dọc lên người chồng, chị quay ra chỉ trích mẹ chồng với chồng. Anh chồng thì đang trăm công nghìn việc ở một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hải sản vì thế mà ức chế vô cùng.

Dịch tay chân miệng khiến nhiều phụ huynh "khóc dở mếu dở" và lúc nào cũng trong trạng thái "căng như dây đàn". (Ảnh minh họa: Getty)

Cho rằng có mỗi chuyện cỏn con, nếu mẹ bảo đi khám thì cứ đưa đi cho bà yên tâm nhưng chị không nghe. Bởi khi có dịch tay chân miệng, chị cũng tìm hiểu kỹ về tiến trình của bệnh. Chị thấy không cần thiết phải đưa con đi xét nghiệm máu vì xét nghiệm loại này khá tốn kém, con chẳng mắc bệnh gì, tự nhiên đưa đến bệnh viện chẳng may lại bị lây từ đứa trẻ khác thì khốn nên chị nhất quyết không nghe. Bất đồng quan điểm, cho rằng chồng lúc nào cũng nghe mẹ, nhờ ông bà lên giúp hóa ra lại mệt thêm, tức giận chị buông ngay một câu "Thôi, anh bảo bố mẹ về đi".

Không thể chấp nhận thái độ của vợ, anh chồng khéo léo nói rằng Bin có thể đi lớp trở lại, bố mẹ nên về quê nghỉ ngơi rồi anh mặc cho mình vợ loay hoay với cậu con trai. Không còn cách nào khác, hàng ngày, chị Nhi cho con lên thư viện cùng làm việc với mình. Hơn một tuần nay, chị vẫn không thèm về nhà mà tá túc ở nhà một người bạn cho "bõ ghét".

Trường hợp của chị Minh, chị Nhi là do chủ động cho con ở nhà, có những trường hợp, con bị sốt nhẹ do mọc răng, viêm họng... nhưng do bận đi làm, bố mẹ vẫn phải gửi con đến nhà trẻ nhưng các cô hầu như từ chối và yêu cầu gia đình cho con về theo dõi thêm xem có bị chân tay miệng hay không. Ở thế bị động, nhiều cặp vợ chồng dính phải "tình trạng khóc dở mếu dở".

Những người như mẹ chồng của chị Nhi không phải là ít, kể cả những bà mẹ hiện đại, trang bị đầy đủ cho mình những kiến thức về dịch bệnh chân tay miệng rồi nhưng mới thấy con có biểu hiện tương tự bệnh này đã ùn ùn kéo đến bệnh viện yêu cầu khám và xét nghiệm. Tình trạng này khiến nhiều bệnh viện, nhất là bệnh viện Nhi TƯ (Hà Nội) xảy ra quá tải.

Phó Giám đốc bệnh viện nhi Trung ương - bác sỹ Trần Minh Điển - nhấn mạnh trên Bee.net.vn rằng: Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng và hoang mang. Quan trọng nhất là thực hiện vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh chân tay, rửa tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn lây bệnh. Người dân không nên đua nhau đưa con đi xét nghiệm khi các cháu vẫn khỏe mạnh, bình thường và không có các dấu hiệu của bệnh. Đây là loại xét nghiệm khó và đắt tiền nên các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ.

Mẫn Chi